Xét nghiệm COVID-19 gần 30.000 mẫu/ngày: Bộ Y tế thông qua kế hoạch mới

VietTimes – Hôm qua (21/9), Bộ Y tế Trần đã phê duyệt kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới của dịch COVID-19.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế (Ảnh: Lê Bảo - Minh Thùy)

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn của dịch COVID-19 với trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23/1. Hiện, cả nước đã có 1.063 ca mắc COVID-19 được cách ly, điều trị ở các cơ sở y tế của 38 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 372 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca tử vong (31 người ở Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam, 1 người ở Quảng Trị đều mắc bệnh nền nặng).

Tính đến ngày 13/9, cả nước đã có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 băng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trong đó ngành y tế có 118 phòng, các ngành khác có 19 phòng (8 phòng thuộc Ngành Nông nghiệp Phát triển nông thôn, 10 phòng thuộc Bộ Quốc phòng, 1 phòng thuộc Bộ Công an) với công suất xét nghiệm tối đa hơn 51.125 mẫu/ngày. 75/137 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (30 cơ sở y tế tuyến trung ương và Bệnh viện, 32 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; 13 đơn vị ngoài ngành y tế) với công suất xét nghiệm tối da hơn 40.550 mẫu/ngày.

Virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thúy) 

Các đơn vị trên toàn quốc đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT- PCR được hơn 1.076.811 mẫu, trong đó xác định 1.063 trường hợp mắc COVID- 19. Tỷ lệ phát hiện dương tính với virus khoảng 0,1%. Điều này cho thấy việc sử dụng nguồn lực hợp lý hơn bằng cách lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm vô cùng quan trọng trong bối cảnh đang thiếu sinh phẩm trên toàn cầu.

Thay đổi linh hoạt chiến lược xét nghiệm

Bộ Y tế cho biết, số mẫu xét nghiệm COVID-19 ở giai đoạn thứ 4 của dịch COVID-19 đang tăng liên tục - có ngày xét nghiệm tới gần 30.000 mẫu, cao nhất là tuần từ 10/8-16/8 với trung bình gần 25.000 mẫu/ngày.

Nhận định tình hình dịch COVID-19 trên thế giới hiện còn diễn biến phức tạp và có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế nhấn mạnh chiến lược xét nghiệm cần thay đổi linh hoạt cho phù hợp với thực tế và năng lực xét nghiệm của từng địa phương, khu vực.

Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhằm giảm thời gian xét nghiệm, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã thành lập nhóm hổ trợ kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2; thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm bao gồm các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các đơn vị trực thuộc để kịp thời hỗ trợ các địa phương nâng cao công suất xét nghiệm SARS- CoV-2, đồng thời, phối hợp với WHO, USCDC để các phòng xét nghiệm tham gia hệ thống ngoại kiểm xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Cán bộ y tế đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh: Lê Bảo - Minh Thùy) 

Các kỹ thuật xét nghiệm phổ biến hiện nay gồm: kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) của virus, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng nguyên và kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể. Việc khẳng định mắc COVID-19 cần thông qua kỹ thuật xét nghiệm phát hiện ARN hoặc phát hiện kháng nguyên vi rút.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiếm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) đã có hướng dẫn về kỹ thuật thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 để tham khảo.

Đáng chú ý, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên hiện tại không được khuyến cáo để sàng lọc virus SARS-CoV-2 do có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR. Cùng với đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể cũng không được dùng để chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm xét nghiệm vì có thể phản ứng chéo với các tác nhân khác.

Tập trung xét nghiệm 2 nhóm đối tượng khi không có ca mắc COVID-19 cộng đồng

Trong giai đoạn chi phát hiện ca mắc COVID-19 từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan thứ phát trong cộng đồng; giảm thiểu tác động của dịch bệnh, đồng thời tiến hành đánh giá tinh hình dịch tễ.

Nhóm đối tượng đầu tiên được trong giai đoạn này là người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định theo hướng dẫn giám sát, các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) hoặc viêm phối nặng nghi do nhiễm vi rút (SVP), hội chứng cúm (ILI) (có sốt và có ít nhất 1 biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp); ca bệnh xác định COVID-19 đang trong quá trình điều trị. Những trường hợp mới nhập cảnh, cách ly tập trung và trước khi rời khu cách ly tập trung 1-2 ngày.

Nhóm thứ 2 là những người đang được giám sát trong cộng đồng, nhóm người yếu thế có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Cả 2 nhóm đối tượng trên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan chuyên môn về y tế. Các đơn vị sẽ sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) hoặc phát hiện kháng nguyên virus để xác định người đó có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Tùy điều kiện cụ thể, các đơn vị thực hiện xét nghiệm có thể xem xét xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể để để điều tra, đánh giá, theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện, đánh giá tình hình dịch tễ cũng như tính miễn dịch cộng đồng.

Hiện, Việt Nam đã đánh giá và cấp giấy phép lưu hành tạm thời 7 sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 gồm 2 sinh phẩm sử dụng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 1 sinh phẩm sử dụng kỹ thuật RT-PCR, 1 sinh phẩm sử dụng kỹ thuật RT-LAMP, 2 sinh phẩm sử dụng kỹ thuật miễn dịch học, 1 sinh phẩm là test nhanh phát hiện kháng thể), đồng thời, cho phép nhập thêm 12 sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 khác.