Nhiều ca mắc bạch hầu xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Đến đầu năm 2020, nước ta đã phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh dịch COVID-19, trên thế giới cũng như các nước Đông Nam Á, sốt xuất huyết, sởi vẫn đang lưu hành. Đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc và vaccine phòng bệnh.
Tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc tăng cao ở một số địa phương. Ở miền Trung, Tây Nguyên ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu.
Thứ trưởng Tuyên dự báo, những tháng còn lại của năm 2020 đến đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Không chỉ vậy, thời tiết mùa Đông – Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Thực tế, đa số ca mắc bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên đều xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. Vì vậy, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các đơn vị phải giải quyết được vùng lõm trong tiêm chủng qua việc tiêm vaccine phòng bệnh, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.
Các địa phương họp trực tuyến thảo luận biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu và sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Thúy)
|
Ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Đến thời điểm hiện tại cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca.
Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu. Điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), trong đó 4 tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1. So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 33 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.
Số ca mắc từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
Thông tin về bệnh bạch hầu, PGS. TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – khẳng định: Tất cả người lành mang trùng đều được coi là ca bệnh xác định. Các trường hợp này phải được báo cáo, xử lý theo quy định. Trong báo cáo ca bệnh xác định cần phân loại rõ ca bệnh có triệu chứng và người lành mang trùng.
Theo ông Dương, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vaccine để phòng bệnh. Trẻ em dưới 1 tuổi phải được tiêm vaccine phòng bạch hầu mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi; trẻ từ 1 tuổi trở lên, người lớn cần tiêm 3 mũi cơ bản theo lịch, tiêm nhắc lại 2 mũi vaccine cách nhau tối thiểu 1 năm.
Để chủ động phòng, chống dịch bạch hầu, các địa phương phải tiến hành biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt trong vòng 24h kể từ khi phát hiện ca bệnh. Tất cả bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu đều phải đeo khẩu trang, cách ly tại các cơ sở y tế. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và chuyển ngay đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm và quản lý, điều trị.
Từ đầu năm đến nay đã có 70.000 ca mắc sốt xuất huyết
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: Theo WHO, sốt xuất huyết vẫn là bệnh có số ca mắc và tử vong cao.
Vì thế, đây là điều đáng lo ngại. Nhất là khi ở Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao từ tuần 30 trong năm và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể phức tạp hơn.
Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: SYT Hà Nội)
|
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác kiểm tra 16 tỉnh trọng điểm. Qua kiểm tra, nhiều địa phương đã chủ động phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn hạn chế, phương tiện xử lý dịch gồm: máy phun, hóa chất, vật tư còn thiếu so với nhu cầu thực tế; ý thức của người dân chưa cao.
Nhận định tình hình sốt xuất huyết trong thời gian tới, ông Tấn cho hay: Số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi để muỗi phát; việc nới lỏng giãn cách xã hội, tăng mật độ tập trung đông người.
Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, ông Tấn kiến nghị các đơn vị cần tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy đến hết năm, phun hóa chất chủ động các điểm có nguy cơ cao như trường học, chợ, bến xe, bệnh viện,… Cùng với đó, tổ chức xử lý triệt để 100% ổ dịch được phát hiện, tăng cường giám sát véc tơ, xử phạt, tập huấn, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở, bố trí kinh phí sớm để phòng, chống dịch hiệu quả.