Xây dựng thành phố thông minh cũng phải có thương hiệu riêng

Chuyên gia từ Malaysia nhận xét định vị 'vibrant' - năng động của TP.HCM vẫn chưa cụ thể, hấp dẫn trong việc xây dựng thành phố thông minh, trong khi các nước làm rất tốt.

Tại hội thảo quốc tế “Khát vọng về một thành phố thông minh và thành phố xã hội cho Việt Nam” ngày 28/9, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách xây dựng đô thị trong và ngoài nước đều đồng ý khái niệm “thành phố thông minh” đang là “mốt” hiện nay.

'Thương hiệu TP.HCM chưa cụ thể'

Các học giả cho rằng đô thị thông minh, thành phố thông minh đang là xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Riêng khu vực ASEAN, hiện xây dựng mạng lưới 26 thành phố thông minh tại các nước thành viên, trong đó, Việt Nam có 3 đại diện là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

TS Bahtiar Bin Mohamadcho rằng thương hiệu riêng của thành phố thông minh rất quan trọng trong tương lai. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí cơ bản, TS Bahtiar Bin Mohamad - Đại học Utara Malaysia (Malaysia), nhấn mạnh thương hiệu riêng của thành phố thông minh rất quan trọng trong tương lai. Đây vừa là yếu tố định vị tạo sự khác biệt, vừa mang tính tiếp thị và quảng bá hình ảnh của thành phố ra thế giới.

Ông cho rằng trước đây, công việc này vốn của ngành du lịch, tuy nhiên, khi các địa phương bước vào một “cuộc chơi mới” buộc phải có sự đồng bộ.

“Việc hoạch định chính sách liên quan thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở kinh tế, đời sống mà còn có cả một bộ nhận diện thương hiệu mới như logo, khẩu hiệu mà nơi đó đang xây dựng”, TS Bahtiar Bin Mohamad, nói.

Minh họa về điều này, ông Mohamad đánh giá rất cao một số thành phố trong khu vực xây dựng hiệu quả bộ nhận dạng thương hiệu cho thành phố thông minh của họ.

Cụ thể, Kuala Lumpur (Malaysia) đánh vào sự đa dạng, đa văn hóa và gắn kết các di sản trong thành phố. Tại thủ đô Indonesia, thành phố này chọn khẩu hiệu “Enjoy Jakarta”, tức thưởng thức và tận hưởng những gì có ở đây. Trong khi đó, Singapore lại hướng đến một thành phố hiện đại với nhiều giá trị.

“Họ đã xây dựng thương hiệu cho thành phố dựa trên những đặc thù có một không hai từ tính cách, văn hóa và cả kiến trúc vào logo và khẩu hiệu. Những điều này rất trực quan, dễ nhớ, thu hút cả du lịch lẫn đầu tư kinh tế. Thậm chí, khẩu hiệu của Jakarta đã duy trì hơn chục năm qua nhưng vẫn rất hiệu quả”, TS Bahtiar Bin Mohamad khẳng định.

Liên hệ TP.HCM, ông Mohamad cho rằng định vị thương hiệu của thành phố vẫn chưa cụ thể. Trong tương lai, để thành 1 trong số 26 thành phố thông minh của Đông Nam Á, thành phố nên có những thương hiệu rõ ràng và ấn tượng hơn.

“TP.HCM định vị Vvbrant - năng động, nhưng vấn đề đặt ra là năng động về cái gì, chẳng hạn trong du lịch thì thế nào, cuộc sống ra sao, con người có gì đặc biệt. Hoặc thương hiệu cũng có thể liên kết với văn hóa, lịch sử và cả những biểu trưng về kiến trúc”, ông thẳng thắn.

Cho rằng việc chọn một đặc trưng duy nhất để phát triển thương hiệu sẽ gặp khó khăn, TS Mohamad kiến nghị chính quyền thành phố có thể xác định đặc trưng theo giai đoạn và việc thay đổi có thể thực hiện ở những năm tiếp theo.

“TP.HCM phải định vị cá tính khác biệt Hà Nội, Đà Nẵng, nếu chỉ mang hơi hướng khá giống nhau cũng đã là hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý, việc xây dựng thương hiệu có thể tác động đến văn hóa người dân”, ông cho hay.

Ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, đánh giá rất cao ý tưởng thương hiệu và đề xuất xây dựng thương hiệu từ học giả người Malaysia.

Ông Kiên cho rằng trước đây, việc xây dựng hình ảnh của thành phố hướng đến khách du lịch nước ngoài chủ yếu. Tuy nhiên, trong tương lai, không chỉ thu hút du lịch, kinh tế, đầu tư bên ngoài, bộ thương hiệu quảng bá thành phố sẽ còn làm tốt việc truyền cảm hứng cho chính người dân.

Thành phố thông minh bình đẳng cho mọi người

Ngoài ra, các diễn giả còn dành nhiều thời gian để trao đổi về yếu tố xã hội, đời sống của người dân trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Theo đó, bên cạnh tích hợp công nghệ cao vào công tác quản lý, tiện ích đô thị, thành phố cần đảm bảo tính nhân văn, tính cộng đồng với sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.

“Xây dựng đô thị thông minh không nằm ngoài mục tiêu phục vụ các yêu cầu xã hội và phục vụ con người. Ngược lại, các yếu tố xã hội khi được xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo sẽ giúp các giải pháp xây dựng đô thị thực sự thông minh và nhân văn”, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM nói.

Các chuyên gia cho rằng xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh phải lưu ý các vấn đề xã hội, dân sinh. Ảnh: Tùng Tin.

Đồng tình quan điểm này, ông Ong Erwin Schweisshelm - Trưởng ban đại diện FES tại Việt Nam cho rằng việc TP.HCM xây dựng đô thị thông minh là một giải pháp cho tình hình gia tăng dân số trên địa bàn và khu vực lân cận, đồng thời, giải quyết các vấn đề xã hội khác.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thành phố thông minh có nhiều tiện ích nhưng phải bảo đảm an toàn cho người dân nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo.

Họ vẫn được bảo đảm các điều kiện về giáo dục, y tế, nhà ở, sinh hoạt, nước sạch. Đồng thời, các vấn nạn về tha hóa xã hội, ô nhiễm môi trường, ngập úng trong thành phố cũng phải được đẩy lùi.

“Thực tế, đây không phải là điều dễ thực hiện, ngay cả các quốc gia châu Âu và trên thế giới vẫn mắc phải. Ngay tại Đức, nhà ở, tính cố kết cộng đồng cũng là một thách thức lớn. Những người thu nhập trung bình không còn khả năng chi trả cho cuộc sống, họ đã buộc phải di chuyển ra vùng ven”, ông Schweisshelm nói.

Bên canh đó, để xây dựng thành công đề án trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, TP.HCM phải thực hiện tốt các yếu tố: kinh tế, giao thông, con người, môi trường, đời sống và quản trị thông minh.

Tuy phát triển đô thị theo hướng thông minh đang là mô hình phát triển trên thế giới nhưng các chuyên gia đồng ý rằng quá trình thực hiện này là lâu dài mới có thể đi đến kết quả cuối cùng của đề án.

Theo Zing

http://news.zing.vn/xay-dung-thanh-pho-thong-minh-cung-phai-co-thuong-hieu-rieng-post880410.html