|
Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố thông tin đã phát hành thành công 73,08 triệu cổ phiếu phổ thông hoán đổi số nợ 730,8 tỷ đồng, tỷ lệ 10.000:1, tương ứng 10.000 đồng nợ sẽ được quyền hoán đổi thành 1 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu hoán đổi nợ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Ngày kết thúc đợt phát hành là 28/6.
Trước khi phát hành thêm, Xây dựng Hòa Bình có hơn 274 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành thành công lô cổ phiếu hoán đổi nợ, số cổ phiếu của công ty tăng lên hơn 347 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng tăng từ 2.741 tỷ đồng lên 3.472 tỷ đồng.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cho chủ nợ là các nhà thầu phụ, đối tác, nhà cung cấp được Xây dựng Hòa Bình thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 ngày 25/4 là 740 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế rút xuống còn 730,8 tỷ đồng được doanh nghiệp cho biết do công ty đã thanh toán cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ dẫn tới khác biệt so với kế hoạch ban đầu.
Trong 99 chủ nợ (có dư nợ gốc tính đến 31/12/2023) đồng ý hoán đổi nợ bằng cổ phiếu, Công ty cổ phần đầu tư TM SCM hoạt động trong lĩnh vực gia công và sản xuất kinh doanh thép chốt số cổ phiếu lớn nhất là 10,4 triệu cổ phiếu, hoán đổi cho 104,8 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu tại HBC lên gần 3,1%.
Chốt số cổ phiếu lớn thứ 2 là Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC 8,87 triệu cổ phiếu, hoán đổi cho 88,7 tỷ đồng tiền nợ. Đây là công ty con của chính Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, hoạt động trong lĩnh vực phân phối, cho thuê máy xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng.
Đứng thứ 3 là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Daiwa chốt 3,6 triệu cổ phiếu, hoán đổi 36 tỷ đồng, tuy nhiên, số nợ của HBC với Daiwa vẫn còn 54,6 tỷ đồng.
Đứng thứ 4, 5 lần lượt là Công ty cổ phần Cửa Sunspace có dư nợ 64,9 tỷ đồng và đồng ý hoán đổi 40 tỷ đồng nợ thành 4 triệu cổ phiếu; Công ty TNHH Đầu tư, phát triển và xây dựng Tiến Thành có dư nợ 28,3 tỷ đồng, đồng ý hoán đổi 27,5 tỷ đồng thành 2,75 triệu cổ phiếu.
Kết thúc quý quý đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 38% và lợi nhuận sau thuế đạt 57,8 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực so với mức lỗ 443,8 tỷ đồng của quý cùng kỳ 2023.
Mặc dù quý đầu năm ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhưng tính đến ngày 31/3/2024, lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình vẫn lên tới 3.182,5 tỷ đồng, bằng 116% vốn chủ sở hữu của công ty.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình là 14.743 tỷ đồng, giảm 3% so thời điểm đầu năm 1/1/2024. Trong đó, phần lớn là nợ ngắn hạn 13.253 tỷ đồng. Nợ phải trả người bán ngắn hạn là 4.607 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Tổng nợ vay gồm cả ngắn hạn và dài hạn lên tới 4.490 tỷ đồng, bằng 30 lần vốn chủ sở hữu chỉ 149 tỷ đồng.
Mới đây, Hội đồng quản trị Xây dựng Hòa Bình đã thông qua phương án chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Jesco Hòa Bình với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 32,31% và 47,82%. Giá trị chuyển nhượng tuy không được công bố cụ thể nhưng công ty cho biết đạt mức giá tốt nhất.
Trước đó, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn tất chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec vào cuối tháng 3/2024.
Danh sách 99 chủ nợ đồng ý chốt cổ phiếu hoán đổi nợ của Xây dựng Hòa Bình xem tại đây.