Công khai để người dân cùng giám sát
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020 vào cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử.
“Việc này nói thì dễ nhưng làm rất khó. Phải làm sao qua mạng, từ Thủ tướng tới Bộ trưởng, Chủ tịch UBND chính quyền các cấp đều biết và quản lý được toàn bộ quy trình xử lý văn bản của cả hệ thống. Cán bộ, chuyên viên, ai làm chậm, ai “ngâm” văn bản lâu, ai làm tốt, làm nhanh, chính xác đều phải công khai và qua mạng, người dân có thể tham gia phản biện, góp ý với cơ quan Nhà nước", Thủ tướng nói.
Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên Internet là những nội dung trọng yếu.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Tiến, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc như nhiều nơi chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa nhiều. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3,4) cung cấp cho người dân và doanh nghiệp cũng chưa nhiều.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, vấn đề cơ chế, kinh phí, nguồn lực luôn là một "nóng", nhất là với những dự án "công" như Chính phủ điện tử. Nếu chỉ nói đến mục tiêu, định hướng mà không có cơ chế, ngân sách thì sẽ rất khó làm. Để đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử, ông Tiến đề xuất Chính phủ, bộ, ngành nên tìm kiếm các đối tác, huy động các nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai CPĐT trong thời gian qua cũng đã trang bị được máy tính phục vụ công việc cho 90% cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước, 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ; 60% các bộ, ngành và 40% các tỉnh, thành phố có ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số.
Đáng ghi nhận là mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng, kết nối đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện.
Chưa liên thông, thiếu kết nối
Tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 do UBND thành phố Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội phối hợp tổ chức, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của Chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa được xây dựng do chưa có sự liên thông, kết nối.
Một trong các bất cập được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ ra là hiện nay các bộ khi triển khai các cơ sở dữ liệu ví dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ khắc phục vấn đề này.
Theo đánh giá của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chính phủ điện tử có thể thực hiện theo nhiều giai đoạn và chi phí cho việc triển khai dự án sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng hiện nay, phụ thuộc vào năng lực của nhà cung cấp và người sử dụng cũng như phương thức cung cấp dịch vụ (thông qua Internet, qua đường điện thoại trực tuyến hoặc thông qua các cửa hàng “một cửa”).
Các dịch vụ mà chính phủ muốn cung cấp càng phức tạp, tinh vi thì chi phí càng lớn, vì thế, Chính phủ cần tập trung vào các dự án nhỏ, có khả năng tự trang trải về tài chính hoặc có thể lấy từ nguồn bên ngoài. Vì các dự án chính phủ điện tử phải đảm bảo khả năng tự trang trải về mặt tài chính, nên cần tiến hành mô hình tạo doanh thu, cắt giảm chi phí ngay từ đầu.
Các dự án nhỏ hơn với chiến lược tạo doanh thu rõ ràng hơn bằng nguồn vốn đầu tư tối thiểu ban đầu cần phải được duy trì trong một thời gian dài. Ví dụ, các trang Web là một trong các cách đơn giản nhất và tiết kiệm nhất để đạt được hiệu quả cao của chính phủ điện tử với chi phí đầu tư tối thiểu.
Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến:
Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.
Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn.
Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.
Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.