Xây đảo trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc dự kiến chi 30 tỷ USD

VietTimes -- Để xây dựng công trình thế kỷ đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã phải bỏ ra 12 năm và 60 tỷ USD. Để thực hiện âm mưu cải tạo trái phép các hòn đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biến biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc dự định sẽ chi 30 tỷ USD. 
Trung Quốc ngang nhiên cải tạo, bồi đắp các bãi đá trên biển Đông
Trung Quốc ngang nhiên cải tạo, bồi đắp các bãi đá trên biển Đông

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục công việc bồi lấp đảo trái phép trên biển Đông, khiến các quốc gia như Mỹ, Philippines, Việt Nam... cực lực lên án hành vi quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc. Trong khi đó, tại mọi hoàn cảnh ngoại giao, Bắc Kinh lại dùng mọi lời lẽ biện minh cho mình, rằng đây là chuyện “trước cửa nhà” của Trung Quốc, không cần người khác phải nhúng hay. Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 7 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mới đây, một bài viết có tên “Hỏi đáp những vấn đề về hoạt động xây dựng trên biển Đông” của một tác giả ký tên Cảnh Đào Phách Án” đã xuất hiện trên các website – trong đó có trang Nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc. Bài viết này đã tiết lộ nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng trái phép trên biển Đông của Trung Quốc. Đứng trước nguồn tin nói quân đội Trung Quốc chuẩn bị tiếp quản 7 hòn đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, bài viết dưới hình thức hỏi đáp đã phủ nhận điều này, mặc dù những hòn đảo này được sử dụng một phần vào mục đích quân sự, tuy nhiên bài viết biện bạch theo luận điệu cũ của Trung Quốc rằng hầu hết vẫn là vì mục đích “dân dụng”.

Theo đó, trong 7 hòn đảo lớn mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép, công tác xây dựng trên các bãi đá như đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Vành Khăn vẫn đang được Trung Quốc ráo riết triển khai, trong khi công tác xây dựng trên đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Châu Viên về cơ bản đã hoàn thành. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hoàn thành công tác xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn, trong đó đá Chữ Thập sẽ được chính thức đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Xây đảo trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc dự kiến chi 30 tỷ USD ảnh 2

Đá Chữ Thập có thể sẽ được Trung Quốc đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Khi đề cập đến vấn đề nguồn năng lượng và nước thải của 7 hòn đảo lớn này sẽ được giải quyết như thế nào, bài viết cho biết, phương án giải quyết năng lượng chủ yếu là điện chạy bằng dầu, đứng thứ hai là điện sản xuất từ sức gió, tiếp theo mới là điện thủy triều và điện sản xuất từ năng lượng mặt trời. Còn nước thải sẽ được xử lý sơ bộ trên đảo thành nước trung tính, rác thải thể rắn được chuyển về đất liền xử lý.

Mặc dù đá Vành Khăn đã trở thành đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa, trên đảo này, sân bay với đường băng dài đã được xây dựng trái phép, nhưng Trung Quốc đã ngang nhiên định vị đá Vành Khăn thành khu vực đánh bắt cá và trung tâm du lịch, mặc dù nhấn mạnh mục đích dân dụng này, nhưng người ta vẫn nghi ngờ Trung Quốc sẽ biến đá Vành Khăn thành căn cứ quân sự trong một ngày không xa. Bài viết tiết lộ Trung Quốc sẽ không xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa mà xây dựng bãi đỗ cho tàu thuyền hoặc căn cứ tiếp tế nhu yếu phẩm (?!).

Xây đảo trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc dự kiến chi 30 tỷ USD ảnh 4

Đá Xu Bi bị Trung Quốc bồi lấp trái phép, diện tích 1,18 k m². 

Đá Chữ Thập được Trung Quốc định vị là đảo nghiên cứu hải dương học, sân bay để cho máy bay tuần tra trên biển, máy bây dân dụng, máy bay cảnh báo sớm và máy bay vận tải sử dụng. Đá Xu Bi được định vị là đảo tiếp tế hậu cần quan trọng trên đảo Trường Sa mà Trung Quốc lấn chiếm trái phép của Việt Nam, trở thành khu vực tập kết và phân bổ vật tư. Bài viết còn tiết lộ, khi đá Xu Bi được đưa vào sử dụng, đảo Thị Tứ cũng bị “bỏ hoang”, máy bay quân sự cất cánh và hạ cánh từ hòn đảo này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ từ trung tâm chỉ huy ở đá Xu Bi. Bốn hòn đảo nhỏ hơn là trên đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Châu Viên thì được định vị là kênh cảnh báo sớm, do thám trái phép mọi hoạt động trong khu vực.

Đá Vành Khăn

Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Đảo Thị Tứ là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc

Từ các bản tin công khai có thể thấy, song song với việc bành trướng các đảo trên biển Đông, Trung Quốc cũng tìm mọi cách giải quyết vấn đề phủ xanh các đảo. Công tác phủ xanh các đảo đã được Trung Quốc tiến hành từ lâu, tuy nhiên một vấn đề nảy sinh là muốn trồng cây sẽ cần rất nhiều đất, chở đất từ đất liền ra sẽ gặp nhiều khó khăn, các nước lân cận như Philiippines, Việt  Nam đều không chịu bán đất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tiết lộ, quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc là Campuchia có thể cung cấp đất cho họ, tuy nhiên công việc giao dịch này lại phải đối mặt với sức ép lớn từ phía cộng đồng ASEAN.

Khi bàn đến vấn đề kinh phí xây đảo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bài viết ám chỉ rằng có thể Bắc Kinh sẽ phải chi tới trên 30 tỉ USD, thời gian có thể kéo dài trên 10 năm.

Bài viết cũng tiết lộ, trong cuộc chiến cướp đảo trên quần đảo Trường Sa, trong tương lai, Philippines sẽ là quốc gia bị loại ra khỏi cuộc chơi đầu tiên, nguyên nhân là do thực lực của Philippines quá yếu, và ý nghĩa chiến lược của các hòn đảo mà Phillippines đang nắm giữ không thật sự quan trọng.

Các hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Trung Quốc lấn chiếm trái phép.

Từ trái sang phải: Đảo Đông Sa 3,04 k m², đảo Tri Tôn 2,6 km², đá Xu Bi 1,8 km²

Theo tính toán, công trình đập Tam Hiệp của Trung Quốc mất 12 năm mới xây dựng xong, chiều dài đập 2.335 mét, độ rộng của đáy đập 115m, độ rộng của đỉnh 40m, chiều cao 185m, lượng đất của cả công trình phải đào lên khoảng 1,34 tỉ m3. Quy mô công trình bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông cũng sẽ không kém nhiều so với công trình thế kỷ đập Tam Hiệp.

Tổng vốn đầu tư cho công trình đập Tam Hiệp ỷủa Trung Quốc đạt khoảng 60 tỷ USD, công trình bồi đắp biển đảo trái phép ở khu vực cách xa đất liền này của Trung Quốc có thể đạt gần con số này. Theo tính toán của hợp đồng báo giá mới được tiết lộ, tổng đầu tư của cả công trình bành trướng trên biển Đông của Bắc Kinh có thể lên tới 30 tỉ USD.

Cũng giống như tuyến đường sắt Thanh Tạng làm thay đổi cục diện biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, việc thực hiện công trình bành trướng trên biển Đông sẽ làm thay đổi triệt để cục diện chiến lược của nước này ở vùng phía Nam, ngoài việc các nước Đông Nam Á dễ có nguy cơ bị đưa vào vòng thao túng của Trung Quốc, chuỗi đảo mà Mỹ, Nhật Bản và Australia dày công thiết kế có thể cũng trở nên hết sức mong manh. Điều này cho thấy tham vọng và âm mưu của Trung Quốc tại biển Đông lớn đến đâu.

Đ.Q