Xác định lại giá khởi điểm khối băng tần C3 vừa đấu giá không thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) và giá khởi điểm khối băng tần này sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.

Thông báo số 62/TB-BTTTT ngày 18/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 20/2/2024, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5-quốc gia phát hành thông báo về cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 được tổ chức vào 14h00 ngày 14/3/2024.

Đến hết thời hạn nộp hồ sơ (17h00 ngày 11/03/2024), chỉ có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (17h00 ngày 13/3/2024) chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền.

Vì vậy, Công ty Đấu giá đã có thông báo về việc không tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 do không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định. Kết quả của cuộc đấu giá khối băng tần C3 là không thành.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz được tổ chức ngày mai (19/3), Bộ sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần C3. Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.

Theo ghi nhận của PV VietTimes, ngày 17/1/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt và thông báo phương án đấu giá tần số với các băng tần 2500-2600MHz; 3700-3900 MHz. Cụ thể, băng tần 2500-2600MHz có giá khởi điểm gần 3.984 tỉ đồng/khối; và 2 khối băng tần 3700-3900MHz có giá khởi điểm gần 1.957 tỉ đồng/khối.

Tại phiên đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) vào chiều 8/3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối “băng tần vàng” 5G trong 15 năm tới với mức trúng đấu giá hơn 7.500 tỉ đồng. Như vậy, Viettel sẽ không có quyền tham gia cuộc đấu giá tiếp theo.

Cũng theo thông báo của Công ty Đấu giá Hợp danh số 5-quốc gia về cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không đủ điều kiện tham gia đấu giá do không nộp tiền đặt trước. Tổng công ty Viễn thông MobiFone có nộp tiền đặt cọc để tham gia cuộc đấu giá băng tần 5G này.