Bộ TT&TT phê duyệt phương án đấu giá 3 khối băng tần 5G, giá khởi điểm cao nhất hơn 3.900 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo phương án vừa được Bộ TT&TT phê duyệt, sẽ có 3 khối băng tần cho 5G được đem giá đấu giá gồm 2500-2600 MHz, 3700-3800 MHz và 3800-3900 MHz.

Bộ TT&TT phê duyệt phương án đấu giá 3 khối băng tần 5G, giá khởi điểm cao nhất hơn 3.900 tỉ đồng

Điểm đáng chú ý trong phương án đấu giá 5GBộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa phê duyệt là mỗi doanh nghiệp viễn thông chỉ được trúng đấu giá 1 băng tần. Do đó, sẽ có 3 doanh nghiệp có băng tần 5G nếu họ đấu giá thành công.

Giá của băng tần được Bộ TT&TT đưa ra căn cứ theo Nghị định 63/2023/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 18/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện).

Theo đó, giá khởi điểm cho 15 năm sử dụng của khối băng tần 2500-2600 MHz là 3.983.257.500.000 đồng (hơn 3.900 tỉ đồng); băng tần 3700-3800 MHz là 1.956.892.500.000 đồng (hơn 1.900 tỉ đồng); băng tần 3800-3900 MHz cũng là 1.956.892.500.000 đồng.

Trong vòng 30 ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công khai phương án tổ chức đấu giá, các doanh nghiệp viễn thông muốn tham gia đấu giá phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký tới Cục Viễn thông.

Đối với doanh nghiệp trúng đấu giá, trong vòng 3 tháng kể từ ngày được Bộ TT&TT phê duyệt kết quả, doanh nghiệp phải nộp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong thời hạn 30 tháng, doanh nghiệp đó phải nộp tiếp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định. Trong thời hạn 60 tháng, doanh nghiệp nộp nốt số tiền còn lại cộng với số tiền lãi tính theo quy định.

Đối với 3 khối băng tần đấu giá thành công, muộn nhất 12 tháng sau khi được cấp phép, doanh nghiệp phải chính thức triển khai dịch vụ 5G trên băng tần này. Sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G. Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng như đã cam kết trước đó về số lượng trạm triển khai trong vòng 2 năm đầu.

Đây là lần thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra phương án đấu giá băng tần 5G trên cơ sở điều chỉnh mức giá khởi điểm. Hồi tháng 5 và 6 năm ngoái, Bộ đã đưa ra phương án đấu giá nhưng không có doanh nghiệp viễn thông nào nộp hồ sơ và nộp tiền đăng ký. Nguyên nhân được cho là mức giá khởi điểm khá cao cho 3 khối băng tần được mang đấu giá, với mỗi khối là 5.798 tỉ đồng.