ông Hoàng Dũng - TGĐ Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L
|
Xin ông cho biết vì sao D&L lại nhảy vào lĩnh vực công nghệ và thiết bị đo kiểm không khí?
Thực ra, lĩnh vực kinh doanh của công ty chúng tôi đã liên quan đến lĩnh vực môi trường từ nhiều năm trước. Và chúng tôi đã tiếp cận với các công nghệ về môi trường khá lâu rồi. Tham gia vào lĩnh vực này, chúng tôi mong muốn làm ra những sản phẩm không quá đắt cùng tính ứng dụng thuận lợi để mọi người dân đều có thể sử dụng được.
Vì thế, chúng tôi đã nghĩ ra và tìm đến giải pháp sản xuất các thiết bị liên quan đến chuyên môn của mình. Từ đó, làm sao giúp cho người dân và các cộng đồng dân cư có thể trang bị để đo kiểm môi trường không khí của mình.
Hiện nay, về cơ bản việc quan trắc môi trường vẫn là việc của Nhà nước là chính với các trang thiết bị rất đắt tiền. Ông nghĩ gì về thị trường này đối với nhân dân?
Thực ra, việc theo dõi chất lượng không khí hay bất kỳ hoạt động nào liên quan đến môi trường thì không ai có thể làm thay được cho Nhà nước. Để làm được việc đó, Nhà nước phải đầu tư những thiết bị rất đắt tiền để có được sự chính xác trong đo kiểm vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề khác. Nhà nước làm và làm tốt thì đó là điều đương nhiên.
Nhưng người dân và doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể tham gia hoạt động này. Ở đây, chúng ta cũng không hề cạnh tranh với Nhà nước mà là hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Doanh nghiệp và người dân có những lợi thế mà Nhà nước không có. Họ hoàn toàn có thể lắp đặt các thiết bị do chúng tôi sản xuất cho tòa nhà của mình để ít nhất biết được chất lượng không khí ở đó ra sao thông qua truy cập điện thoại thông minh với app PAM Air do chúng tôi cung cấp. Nếu có sự phối hợp với nhà nước thì sẽ tạo được lợi ích chung cho hoạt động môi trường, cho lợi ích của cộng đồng và xã hội. Đây không phải là mô hình mới và ở nhiều nước tiên tiến thì người dân và doanh nghiệp cũng đã làm. Xã hội hóa việc lắp đặt các trạm quan trắc môi trường rất có lợi cho cộng đồng.
Thiết bị đo kiểm chất lượng không khí với công nghệ IoT do D&L lắp ráp, sản xuất với giá thành chỉ 5 triệu đồng/bộ. Ảnh:Catalog của D&L
|
Trong phần thuyết trình của mình tại tọa đàm, mong muốn của ông là làm sao mật độ các trạm đo kiểm này càng dày càng tốt. Xin ông cho biết, việc này có ý nghĩa như thế nào với người dân sống trong các đô thị?
Trước hết, chúng ta thấy chất lượng không khí thay đổi rất nhanh giữa các địa điểm. Và chất lượng không khí còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn thải. Nơi thì người dân đốt than tổ ong, nơi thì có nhà máy, nơi thì có nhiều ô tô, nơi thì đốt lửa… và ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở khu vực lân cận. Vì thế, nếu mật độ các trạm quan trắc nhỏ càng dày thì càng đo được chính xác chất lượng không khí tại các điểm lân cận và có thể biết được nguyên nhân gây ô nhiễm. Từ đó, chính cộng đồng dân cư sẽ cùng nhau thống nhất để giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm một cách chính xác nhất với những khuyến cáo với các chủ thể của sự ô nhiễm. Khi đó, sự ô nhiễm sẽ được giảm xuống và vô hình trung, chất lượng không khí của cả thành phố sẽ tốt lên.
Như vậy thì dữ liệu phải được cộng đồng cùng chia sẻ có phải không?
Đúng thế! Khi chúng ta muốn có 1.000 – 2.000 điểm đo thì có thể nói là không có một tổ chức nào của Nhà nước có đủ kinh phí để cả về ngắn hạn và dài hạn để đầu tư và duy trì. Muốn làm được việc này thì cộng đồng cùng phải đầu tư và chia sẻ với nhau và hưởng lợi.
Công ty của chúng tôi đang tạm thời đứng ra để có một nền tảng, giải pháp nhằm thực hiện được việc này. Chúng tôi đang kết với một số tổ chức môi trường như Live & Learn, Green ID… để thực hiện việc này. Chúng tôi cũng đang kết hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học trong lĩnh vực môi trường để triển khai việc này.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được sự cần thiết phải đầu tư trang thiết bị đo kiểm không khí vì chất lượng sống cho chính mình là hết sức quan trọng. Vì thế, chúng tôi rất mong được sự quan tâm, cổ vũ của báo chí, truyền thông cùng sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Xin cảm ơn ông!