Xã hội công dân cần phải trở thành trợ lý đắc lực cho nhà nước
Hiện nay ở Nga rõ ràng, vẫn có sự cách biệt giữa xã hội và chính quyền. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng “bên dưới” mất lòng tin với “bên trên”. Mà còn là sự khó chịu của “bên trên” đối với bất kỳ hình thức hoạt động xã hôi tự chủ nào của “bên dưới”. Lý do chủ yếu, là nhìn chung sự quan tâm đến các vấn đề lợi ích xã hội ở Nga còn yếu kém. Do đó, chính quyền thường không muốn tương tác với các thiết chế xã hội công dân. Đồng thời để quản lý chúng, người ta lại hay bỏ qua những xung động từ bên dưới và cố gắng tìm cách biến các phong trào dân sự và các hiệp hội, thành các kênh chuyển giao các chỉ đạo một chiều "từ trên xuống".
Ở nước Nga hiện đại, sự hình thành của xã hội công dân diễn ra đồng thời với sự chuyển đổi sang hệ thống chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường. Về nguyên tắc, trong quá trình chuyển đổi này, xã hội công dân có thể rất hữu ích cho nước Nga. Nói cách khác, xã hội công dân chính là một loại "động cơ" trong sự phát triển của đất nước, theo hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền với một nền kinh tế thị trường.
Hiện tại, vấn đề xã hội công dân đang nằm ở trung tâm chú ý của xã hội. Trong các bài phát biểu của mình, tổng thống Putin và các nhà chính trị và hoạt động xã hội hàng đầu nước Nga, liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một xã hội công dân thực sự hiệu năng. Cũng như họ luôn nhấn mạnh việc cần có một tương tác hiệu quả, giữa nhà nước và các cơ quan chính quyền, với các thiết chế của xã hội công dân. Đặc biệt, trong việc đề xuất và hình thành những dự luật cơ bản này, hoặc khác của nước Nga.
Hiện nay nước Nga đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Những thách thức mà nhà nước không đủ năng lực đương đầu một mình (chủ nghĩa khủng bố, hiệu quả và tốc độ cải cách các thiết chế nhà nước còn thấp, mức độ nghèo đói cao và nhận thức của người dân thay đổi chậm ...). Vì vậy, chỉ trong sự phối hợp chặt chẽ với xã hội công dân, nhà nước mới đủ năng lực đương đầu với những thách thức này. Rõ ràng, xã hội dân sự cần phải trở thành một trợ lý đắc lực cho nhà nước, trong việc giải quyết những vấn đề nói trên.
TT Putin tin rằng "Nếu không có một xã hội công dân trưởng thành, thì không thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề bức thiết của người dân". "Chỉ có một xã hội công dân phát triển, mới có khả năng đảm bảo sự bất khả xâm phạm của tự do dân chủ, bảo đảm quyền con người và quyền công dân."
Phải nói rằng việc phát triển xã hội công dân, thường được bắt đầu bằng sự phát triển ý thức giác ngộ của một cá thể, vượt lên trên bản năng cá thể nguyên thủy của mình. Chỉ có thể phát triển ý thức giác ngộ này, trước hết bằng những nỗ lực của bản thân cá thể, bằng nguyện vọng của cá thể hướng tới sự tự do và dân chủ có trách nhiệm. Vì chỉ một người tự do, mới có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của cả quốc gia.
Tổng thống Putin trong một cuộc gặp gỡ với dân chúng Nga
|
Xã hội công dân: những bước đi đầu tiên
Ở nước Nga hiên nay đã có những yếu tố của xã hội công dân và có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng (chính trị, kinh tế, xã hội, tinh thần ...). Bao gồm, những đảng phái chính trị, các cơ quan chính quyền tự quản địa phương, các phương tiện truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các phong trào về nhân quyền và môi trường, các cộng đồng dân tộc và tôn giáo, các hiệp hội thể thao, hiệp hội sáng tạo nghệ thuật, các tổ chức khoa học và văn hóa, các hiệp hội doanh nghiệp và người tiêu dùng ...
Trong lĩnh vực kinh tế, có những tổ chức như “Hiệp hội các Ngân hàng Nga”, “Liên minh Doanh nhân và Người thuê nhà”.Trong lĩnh vực xã hội là “Quỹ Hưu trí”, “Liên minh các Bà mẹ của Người lính”, “Quỹ Bảo trợ Xã hội Người mẹ và Trẻ em”. Trong lĩnh vực chính trị là các đảng chính trị ... Nhưng rất tiếc, nhiều tổ chức, đoàn thể, hiệp hội và phong trào chỉ độc lập một cách hình thức. Trong thực tế, mọi chuyện lại khác. Tuy nhiên, mặc dù vậy, có thể nói rằng, xã hội công dân ở Liên bang Nga đã bắt đầu hình thành và đang đi những bước đầu tiên.
Ngày nay, người dân Nga trong xã hội đã có nhiều điều kiện biểu đạt những mối quan tâm và những xung động của mình, thông qua nhiều kênh khác nhau. Trước hết, là việc tiếp xúc trực tiếp với đại diện của chính quyền địa phương, chính quyền khu vực và liên bang (thông qua việc gửi thư cá nhân và tập thể, đến gặp đại diện chính quyền vào ngày tiếp dân) ... Cũng có thể "gõ vào những cánh cửa của chính quyền", thông qua các đảng chính trị. Chẳng hạn, Đoàn đại biểu Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) ở Duma (Nghị viện) đã tạo ra một dự án Internet, mọi người đều có thể gửi vào nơi đó những videoclip tự quay, về các trường hợp tham nhũng, những vi phạm dân quyền và pháp luật ... Sau đó, đại diện của LDPR ở Duma có trách nhiệm gửi lời yêu cầu giải trình, đến các cơ quan chính quyền có liên quan. Ngoài ra, công dân cũng có thể gửi các tín hiệu cho chính quyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta không thể không lưu ý đến những dự án được tạo ra nhằm phát triển xã hội công dân. Hàng đầu, đó là việc thành lập “Phòng Xã hội Cộng đồng” Liên bang Nga (một cơ quan tư vấn nhà nước được thành lập vào ngày 04/04/2005, có vai trò chính là để đảm bảo sự tương tác giữa các công dân Liên bang Nga và các hiệp hội xã hội cộng đồng, với các cơ quan nhà nước và các cơ quan chính quyền địa phương – ND). Mục tiêu chính thức của tổ chức này là hỗ trợ việc hình thành, duy trì và phát triển môi trường tham gia của công dân, vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách của nhà nước Liên bang Nga.
“Phòng Xã hội Cộng đồng” là một trong những tổ chức hiệu quả nhất trong việc hình thành xã hội công dân và đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Chẳng hạn, trong quá trình phát triển và thông qua “Luật về Giáo dục", những nhà làm luật đã tính đến nguyện vọng của xã hội, và một số điều chỉnh, sửa đổi đã được bổ xung vào dự luật. Cũng tương tự đối với "Luật về các Tổ chức Phi thương mại", “Luật về cải cách Dịch vụ Bảo trì Nhà ở” ...
Biểu thị sức mạnh trong trật tự của người dân Nga
|
Đồng thời, ”Hội đồng Xúc tiến các Tổ chức Xã hội Dân sự và Nhân quyền” trực thuộc Tổng thống Nga, một tổ chức thuộc ngân sách nhà nước cũng được thành lập. Mục đích chính của tổ chức này là đảm bảo và bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tự do của công dân, là thúc đẩy sự hình thành và phát triển của xã hội công dân.
Các thiết chế của xã hội công dân là cầu nối giữa nhà nước và cá thể. Những thiết chế này biểu đạt những quan tâm, nguyện vọng của các thành viên xã hội. Là những cơ sở cho việc hình thành và thông qua các điều luật. Những tín hiệu và xung động phát ra từ xã hội ở Nga, phải có vai trò điều chỉnh và kiểm soát hành vi của chính quyền.
Ở nước Nga hiện nay, sự hình thành xã hội công dân có những điểm đặc biệt riêng.
Điểm đặc biệt thứ nhất: "Bản chất tích cực của các cuộc biểu tình, phản đối." Tại Liên bang Nga, các hành động biều tình phản đối, không dẫn đến các biểu hiện cực đoan. Luật pháp Nga không cấm công dân mình tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình, chăng biểu ngữ, tuần hành, tọa kháng. Cộng đồng xã hội thông qua những hình thức biểu đạt này, để hình thành và thể hiện ý kiến, yêu cầu của mình về các vấn đề khác nhau (xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa), kể cả những vấn đề chính sách đối ngoại. Cũng cần nhấn mạnh rằng, yêu cầu của những người biểu tình thường được đáp ứng. Chính quyền lắng nghe người dân và cố gắng đáp ứng. Chúng ta có thể nhận biết điều này qua các sự kiện tháng 05/2012.
Mục tiêu chính của phong trào phản đối ngày 06/05/2012 là tuyên bố với chính quyền về sự tồn tại của mình. Đồng thời, những người tham gia cũng bày tỏ thái độ của mình đối với tính hợp pháp của chính quyền, đối với cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra trước đó. Điều đáng nói là những người biểu tình đã đạt được mục tiêu của họ. Các hành động phản kháng giống như một xung động, một sự thúc đẩy đối thoại với chính quyền, và cuộc đối thoại này diễn ra. Ở Nga, các cuộc tuần hành phản đối và biểu tình thường diễn ra khá tích cực. Một điều đặc biệt, phân biệt Nga với một số nước khác, như Ukraina, chẳng hạn. Ở Ukraina, các phong trào và hành động phản đối đã có những dạng biểu hiện cực đoan. Vì vậy hiện nay, đất nước Ukraina đang ở trong sự hỗn loạn và đứng bên bờ vực của hủy diệt.
Điểm đặc biệt thứ hai là ở nước Nga hiện đại, việc hình thành xã hội công dân có tính chất “sắc tộc, địa phương nổi bật”. Lý do là do có một chênh lệch quá lớn, trong mức độ phát triển quan hệ dân sự ở các vùng khác nhau của nước Nga (giữa các đô thị lớn, thủ đô và các vùng hẻo lánh). Một thực tại luôn cản trở sự phát triển xã hội công dân, trong không gian chính trị nước Nga hiện đại. Các xã hội công dân cấp địa phương, rõ ràng là yếu hơn nhiều so với cấp liên bang. Tất nhiên, khả năng phản kháng đối với chính quyền của chúng, tương ứng cũng ít hơn nhiều, so với trong toàn quốc. Mâu thuẫn sâu sắc này, chỉ có thể loại trừ bằng cách thúc đẩy việc phát triển chính quyền tự trị địa phương. Một chính quyền tập trung trong mình không chỉ các mối quan hệ quyền lực, mà còn cả những mối quan hệ dân sự.
Tôi xin phép điểm lại các hoạt động của “Phòng Xã hội Cộng đồng” Liên bang Nga nhằm thu hẹp khoảng cách giữa sự phát triển xã hội công dân ở các đô thị và khu vực ngoại biên. Ví dụ, vào tháng 01/2013, TT Putin đã ký một đạo luật cho phép tăng số lượng thành viên của “Phòng Xã hội Cộng đồng” từ 126 lên 166 người. Điều này cho phép tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cộng đồng địa phương vào công việc của "Phòng Xã hội Cộng đồng" liên bang. Một bước tiến về phía thúc đẩy sự phát triển một xã hội công dân thống nhất toàn Liên bang Nga.
Điểm đặc biệt thứ ba là "sự phụ thuộc của phương tiện truyền thông đại chúng độc lập". Ông Putin với tư cách ứng cử viên tổng thống, ngày 12/02/2004 tại một cuộc họp với những người được ủy nhiệm của mình ở Đại học Quốc gia Moskva, đã nói: "Chúng ta phải tiếp tục làm việc để thiết lập một xã hội công dân đầy đủ, hiệu năng ở nước Nga. Tôi đặc biệt lưu ý, rằng điều này sẽ là không tưởng, nếu không có phương tiện truyền thông đại chúng thực sự tự do và có trách nhiệm. Nhưng sự tự do và trách nhiệm này, cần phải có nền tảng pháp lý và kinh tế cần thiết. Và việc tạo ra nền tảng này, chính là nhiệm vụ của nhà nước".
Nghĩa là ở Nga, các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập, được hình thành không phải chỉ bởi xã hội công dân, mà bởi sự phối hợp của xã hội công dân với nhà nước. Theo ý kiến của tác giả bài viết, đây là một quan điểm, một dự án tích cực. Nhà nước ở một mức độ nào đó, cần phải kiểm soát được, việc các phương tiện truyền thông đại chúng, cung cấp thông tin thế nào.
Điểm đặc biệt cuối cùng mà tác giả chọn ra là "Chiến dịch PR của Tổng thống", đó là một liên hệ trực tiếp của tổng thống với xã hội. Không một quốc gia nào khác, có một "đường giao tiếp online" giữa tổng thống và nhân dân như vậy. Tại buổi giao tiếp này, luôn có sự tham gia của những người đại diện cho mọi tầng lớp xã hội (sinh viên, cựu chiến binh của Thế Chiến hai, các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, gia đình đông con, người về hưu, bác sĩ và nhiều đại diện khác của xã hội).
Mọi người có thể nói chuyện trực tiếp với tổng thống qua điện thoại, hay bằng việc gửi thư qua email hoặc qua điện thoại. Trong vòng hơn hai giờ đồng hồ. Ngay cả ở Mỹ, đất nước dân chủ nhất, cũng không có một điều gì tương tự như vậy. Và điều này cũng tạo ra sự khác biệt, trong việc hình thành các thiết chế xã hội công dân ở Nga hiện nay, so với các nước Phương Tây.
Diễu hành ủng hộ Tổng thống Putin
|
Các thiết chế nhà nước ở nước ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn
Một cách khái quát, có thế nói rằng, các thiết chế xã hội công dân Nga đã bắt đầu hình thành và đang tiến lên bằng những bước nhỏ. Như đã nói ở trên, nhiều đoàn thể, liên minh, phong trào, hiệp hội ... đã xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Mặc dù nhiều tổ chức trong số này, hiện nay chỉ mới độc lập một cách tương đối và hình thức đối với nhà nước và các cơ quan chính quyền. Tuy thế, bản thân sự tồn tại của chúng, đã đủ là cơ sở cho một đánh giá lạc quan vừa phải, về cơ hội và triển vọng của việc phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân ở Nga.
Mặc dù con đường đi đến một thể chế dân chủ đầy đủ, một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững ở nước Nga còn chông gai. Nhưng người dân Nga ngày càng trưởng thành hơn, càng tốt đẹp hơn với tư cách một công dân có trách nhiệm trong cộng đồng, trong xã hội. Các thiết chế nhà nước ở nước Nga cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Vì vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, mọi cuộc đấu tranh và chuyển giao quyền lực ở Nga sẽ diễn ra một cách ôn hòa, trong khuôn khổ pháp luật và hợp hiến. Một thành quả có được, chính nhờ sự phát triển của Nhà nước Pháp quyền và Xã hội công dân ở Nga, trong những năm vừa qua.
(Theo lawinrussia.ru, ngày 29/10/2016)
“Trước đây cho đến những năm đầu 1990, người Nga thường có khuynh hướng sử dụng bạo lực trong xử lý mâu thuẫn. Thậm chí, kể cả trong va chạm giao thông. Tuy nhiên hiện nay, người Nga đã thay đổi. Khuỵnh hướng ủng hộ việc giải quyết xung đột, mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn xã hội bắng bạo lực đã giảm đi rất nhiều. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga, Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội Toàn Nga (VCIOM) đã tiến hành những cuộc thăm dò dư luận xã hội rộng rãi. Trong đó, có vấn đề thái độ của người Nga hiện nay, đối với cách mạng và bạo lực cách mạng. Kết quả thăm dò cho thấy, chỉ có 5% người Nga ủng hộ việc tiến hành cách mạng để thay đổi xã hội. Trong khi đa số tuyệt đối 92% người Nga, coi mọi cuộc cách mạng đều là không thể chấp nhận. Ngoài ra, chỉ có 30% số người được thăm dò cho rằng cách mạng hiện vẫn có thể diễn ra ở nước Nga, trong khi 61% người được thăm dò cho rằng điều đó là không tưởng. Những năm gần đây, kinh tế Nga suy thoái khá mạnh do giá dầu hỏa trên thị trường quốc tế sụt giảm nhiều và do hậu quả những biện pháp trừng phạt của Phương Tây đối với Nga. Năm 2017, theo báo cáo của bà Natalia Pochinok, Chủ tịch Ủy ban Chính sách xã hội và Quan hệ lao động thuộc "Phòng Xã hội Cộng đồng" Liên bang Nga. Gần một nửa số người Nga được thăm dò trả lời rằng, họ chỉ có đủ tiền để mua thực phẩm. Việc mua quần áo đối với họ đã trở nên rất khó khăn. Hiện nay, nghèo đói là một trong những lý do chính, tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội Nga. Thế nhưng mặt khác, cũng theo báo cáo của "Phòng Xã hội Cộng đồng" Liên bang Nga, ngày càng có nhiều người Nga tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Năm 2017, bất chấp những khó khăn về tài chính, khối lượng đóng góp của tư nhân cho các mục đích từ thiện lên đến 143 tỷ rúp (xấp xỉ 2.5 tỷ USD). Đồng thời, kết quả thăm dò dư luận xã hội do VCIOM tiến hành vào 09/2017 cho thấy, số lượng công dân tham gia từ thiện dưới hình thức này hay hình thức khác đã tăng 20% trong vòng 10 năm qua. Nếu vào năm 2007, 50% số người được hỏi đã xác nhân việc tham gia làm từ thiện, thì hiện nay năm 2017, tỷ lệ này là 69%. Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, ở Nga diễn ra hàng ngàn cuộc biểu tình, tuần hành với một lượng người tham dự khổng lồ. Nhưng tuyệt đại đa số những cuộc biểu tình tuần hành này, kể cả của những người đối lập, đều có phối hợp với chính quyền. Tất cả đều diễn ra một cách ôn hòa. Có thể nói rằng, ở nước Nga đa sắc tộc và tôn giáo ngày nay, không có khả năng xảy ra những biến cố như “mùa xuân Ả Rập”, hay là những cuộc “cách mạng sắc mầu”- Trần Công Tâm. |