
Giờ đây, sau gần một thập kỷ và chỉ vài tháng bước vào nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump một lần nữa thực hiện cam kết ấy khi tái khởi động các chiến dịch oanh kích nhằm vào các nhóm khủng bố.
Theo thông tin công khai, quân đội Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã tăng đáng kể số lượng các đợt không kích nhằm vào ISIS tại Somalia so với người tiền nhiệm Joe Biden.
Và tại phía bên kia Vịnh Aden – vùng biển ngăn cách Sừng châu Phi và bán đảo Arab – Mỹ đã tiến hành các đợt oanh kích dồn dập vào lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen suốt hơn một tháng qua, nhằm buộc nhóm này chấm dứt các cuộc tấn công trên Biển Đỏ. Chiến dịch không kích mới dưới thời ông Trump được đánh giá là quyết liệt hơn nhiều so với thời ông Biden.
Không kích ISIS và các nhóm khác
Những cam kết của ông Trump vào năm 2015–2016 về việc "dội bom tới tấp" ISIS đã mở đường cho một chiến dịch không kích dữ dội. Sau đó, Nhà Trắng tuyên bố quân đội Mỹ đã đánh bại tổ chức này.
Dù "đế chế" từng trải dài khắp Iraq và Syria của ISIS đã sụp đổ trước sức ép quốc tế, mối đe dọa từ tổ chức này vẫn còn tồn tại. Cộng đồng tình báo Mỹ vẫn coi ISIS là một hiểm họa lớn, không chỉ giới hạn ở vùng ảnh hưởng cũ.

Trong 3 tháng đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump, Bộ Chỉ huy Châu Phi của Mỹ (Africom) đã công bố ít nhất 8 đợt không kích ISIS ở Somalia – một bước nhảy vọt so với các năm dưới thời ông Biden. Năm ngoái, chỉ có một vụ không kích ISIS tại Somalia. Năm 2023, lực lượng Mỹ thực hiện duy nhất một chiến dịch tấn công. Năm 2022 và 2021, không có hoạt động nào được công khai.
Theo báo cáo hồi tháng 3 của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), quy mô của ISIS tại Somalia đã tăng gấp đôi trong năm qua. Africom thường xuyên nhấn mạnh rằng nhóm này "đã chứng minh ý chí và năng lực" để tấn công lực lượng Mỹ và các đối tác, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
Ngoài ISIS, Mỹ cũng đang triển khai chiến dịch chống al-Shabaab – nhánh lớn nhất và giàu có nhất của Al Qaeda, vốn đã hoạt động lâu năm tại Somalia. Dưới thời ông Biden, trung bình mỗi năm Mỹ thực hiện hơn 10 đợt không kích al-Shabaab, đạt đỉnh là 15 vụ vào năm 2023. Năm nay, đã có ít nhất 5 đợt, trong đó đợt gần nhất diễn ra vào đêm ngày 16/4.
Các chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang cân nhắc giải thể Africom và đóng cửa các cơ quan ngoại giao tại châu Phi – những động thái có thể làm suy yếu nỗ lực chống khủng bố. Động thái tăng cường không kích cũng cho thấy ông Trump đã trao nhiều quyền tự quyết hơn cho các chỉ huy chiến trường.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đang "tập trung đối phó với ảnh hưởng độc hại kéo dài" của các nhóm như ISIS, al-Shabaab, và khẳng định: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Somalia để làm suy yếu và tiêu diệt các tác nhân nguy hiểm đó".
Quan chức này cũng cho biết ông Hegseth đã "trao quyền" cho các chỉ huy chiến đấu thực hiện các bước cần thiết nhằm xác định và loại bỏ mối đe dọa với Mỹ và các lợi ích của nước này.
Tại Trung Đông, Mỹ vẫn đang truy lùng tàn dư ISIS. Tháng 3 vừa qua, quân đội Mỹ tiêu diệt nhân vật số 2 của tổ chức này tại Iraq. Các chiến dịch khác tại Iraq và Syria cũng được thực hiện bởi lực lượng địa phương dưới sự hỗ trợ của binh sĩ Mỹ.
Chiến dịch chống Houthi
Trong khoảng thời gian cuối năm 2023, hải quân và không quân Mỹ liên tục đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Quân đội Mỹ cũng đã không kích phá hủy nhiều vũ khí và căn cứ của nhóm phiến quân này tại Yemen.

Dù đầu năm 2025 diễn ra tương đối yên bình, nhưng từ ngày 15/3, chính quyền Trump đã mở chiến dịch mới nhằm buộc lực lượng Houthi dừng hoàn toàn các cuộc tấn công đường biển. Từ đó đến nay, Mỹ đã điều thêm một hàng không mẫu hạm đến Trung Đông và triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 đến căn cứ tại Ấn Độ Dương – một động thái nhằm phô diễn sức mạnh.
Tổng thống Trump cùng nhiều quan chức cấp cao khẳng định chiến dịch "dội bom" sẽ không ngừng nghỉ, với các hoạt động quân sự "24/7" được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà phân tích vẫn nghi ngờ khả năng chiến dịch này sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Houthi như tuyên bố của ông Trump. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ đã gây thiệt hại như mức nào đối với mạng lưới của Houthi.
Trung tướng không quân Alexus Grynkewich, giám đốc tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu Liên quân Mỹ, ngày 17/3 cho biết các cuộc không kích đã đánh trúng các cơ sở huấn luyện, hạ tầng UAV, trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của Houthi.
Từ đó đến nay, thông tin chi tiết rất hạn chế, nhưng Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (Centcom) hôm 17/4 cho biết các lực lượng Mỹ đã tấn công một cảng do Houthi kiểm soát – nơi nhóm này dùng để nhập nhiên liệu.

Chiến dịch không kích của Mỹ có thể đặt “dấu chấm hết” cho Houthi?

Tên lửa và UAV: Những vũ khí đáng gờm của Houthi khiến Mỹ cảnh giác
