Kể từ khi quy định gia tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài được thông qua cuối tháng trước, 2 chỉ số chứng khoán của Việt Nam là VN-Index đã tăng 9% và HNX-Index cũng tăng 3,6%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Trung Quốc Shanghai Composite và chỉ số chứng khoán Philippines giảm lần lượt 5,3% và 1,6%. Sự đảo chiều đột ngột của chứng khoán Trung Quốc đã khiến giới đầu tư quốc tế e ngại.
Việt Nam có quy định khá chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, việc “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 9 đã khiến nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh việc mua vào cổ phiếu trên thị trường.
Nguyen Hong Khanh, một nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM cho biết sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đã giúp anh thu được 2/3 mức lương hàng năm của mình nếu bán hết số cổ phiếu đang nắm giữu hiện nay.
Các nhà đầu tư cá nhân như Khanh chiếm khoảng 90% trên TTCK Việt Nam. Nhiều hy vọng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam khi giới hạn tỷ lệ sở hữu đã được dỡ bỏ và những quỹ đầu tư sẽ bị thu hút bởi thị trường nóng nhất thế giới hiện nay.
“Tại sao tôi không nên mua cổ phiếu vào thời điểm này?” Khanh cho biết. “Khi giới hạn sở hữu được nâng lên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào và tôi có thể có cơ hội để kiếm tiền”.
TTCK Việt Nam tăng mạnh sau tin "nới room" cho khối ngoại
Thị trường đã rất bất ngờ vào cuối tháng trước khi Chính phủ ra Nghị định sẽ loại bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty Việt Nam, ngoại trừ những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, an ninh... Trước đó, thị trường chỉ kỳ vọng tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại từ 49% lên 60%.
Chính phủ vẫn chưa nêu chi tiết về các công ty, lĩnh vực nào sẽ được dỡ bỏ giới hạn, riêng nhóm ngân hàng vẫn sẽ là 30%. Sự thay đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/9.
Khanh, 39 tuổi, cho biết danh mục cổ phiếu của ông trị giá 1 tỷ đồng (46 nghìn USD) và ông sẽ tiếp tục dành 80% thu nhập của mình để đàu tư vào TTCK. Ông dự định sẽ trích một phần lợi nhuận từ TTCK để trả tiền học phí cho con gái mình vào tháng 9.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đã lên tới 233 triệu USD, vượt xa mức 128 triệu USD cho cả năm 2014.
Số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 30 công ty, chiếm khoảng 1/5 tổng vốn hóa Hose đã giao dịch ở mức giới hạn hoặc gần giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong số đó có thể kể tới như CTCP Sữa Việt Nam- Vinamilk, CTCP Nhựa Bình Minh đã tăng giá lần lượt 2,6% và 4,5% kể từ cuối tháng trước khi chính phủ cho biết sẽ “nới room” cho khối ngoại.
Ông Louis Nguyễn, giám đốc điều hành- chủ tịch Saigon Asset Management cho rằng nếu chính phủ thông qua kế hoạch “nới room” cho khối ngoại thì điều này sẽ mang đến những tác động to lớn cho thị trường trong nước.
“Có khả năng hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được “mở khóa” và sẽ có làn sóng mở cửa cho những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam”.
Hiện có hàng chục công ty nhỏ ở Việt Nam với lợi nhuận và định giá khá hấp dẫn, tuy nhiên vốn hóa thị trường quá nhỏ để đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn vẫn là mục tiêu chủ yếu.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch cổ phần hóa 289 công ty nhà nước trong năm nay như một nỗ lực để thúc đẩy TTCK trong nước. Tuy vậy tới nay mới chỉ có 61 công ty được cổ phần hóa, tính tới 23/6 và mới chỉ hoàn thành 1/5 kế hoạch năm 2015.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Thủ tục đăng ký đầu tư có thể mất tới vài tháng. Do đó nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường thông qua các quỹ đầu tư sẵn có hay ETF.
Bất chấp những thách thức đang hiện diện, nhà đầu tư trong nước vẫn tự tin với kế hoạch “nới room” sẽ thu hút mạnh dòng tiền từ khối ngoại.
“Đó mới chỉ là khởi đầu cho TTCK Việt Nam”, Khanh cho biết. “Tôi sẽ tư vấn cho bạn bè và người thân bỏ tiền nhàn rỗi của mình vào thị trường lúc này, đó là một kênh đầu tư tốt”.
Theo Trí Thức Trẻ