|
World Cup 2018 sẽ khai mạc vào ngày 14/6, nhưng cho đến hôm nay Việt Nam vẫn chưa có bản quyền phát sóng World Cup. |
Có lẽ, chưa bao giờ vấn đề bản quyền truyền hình cho World Cup ở Việt Nam lại phức tạp như năm nay. Chung quy thì trách nhiệm cho việc này vẫn là của VTV bởi với tư cách là đài truyền hình lớn nhất của cả nước thì World Cup phải là cơ hội mà họ phải thể hiện vai trò của mình bằng bài toán kinh doanh hiệu quả nhất.
Nếu so với một nước như Thái Lan, dân số của Việt Nam chắc chắn đông hơn. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thua kém nước này nên cái giá được chào của bản quyền truyền hình World Cup 2018 vẫn thấp hơn. Tại Thái Lan, chính các “đại gia” của nước này đã cùng hùn sức để mua bản quyền World Cup 2018 với chi phí đến gần 44 triệu USD và sau đó họ giao lại cho 3 nhà đài để phát sóng phục vụ nhân dân. Trong khi đó, đến thời điểm này Việt Nam vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa có bản quyền với World Cup 2018.
Từ nhiều năm nay, VTV đã hoàn toàn tự chủ về tài chính nhờ nguồn thu quảng cáo với doanh số rất lớn. Không nói đến những nhiệm vụ chính trị của mình, khán giả của VTV đã được xem rất nhiều chương trình hấp dẫn cho mọi nhu cầu mà trong đó có rất nhiều chương trình được thực hiện do các đối tác tư nhân bên ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, lẽ ra từ những nguồn thu của mình thì việc cần làm với VTV là phải tiếp tục tái đầu tư cho hấp dẫn hơn về nội dung song thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Có thể nói đến một dự án điển hình của VTV là xây dựng tháp truyền hình có chiều cao vào loại nhất nhì thế giới ở phía tây Hồ Tây. Dù rằng dự án này sau đó đã không trở thành hiện thực song như thế là VTV đã lãng phí nguồn lực của mình cho một dự án không còn hợp thời bởi công nghệ truyền dẫn ngày nay là qua vệ tinh và truyền hình cáp… Do đó, VTV không nhất thiết phải xây dựng tháp truyền hình thật cao để tăng diện phủ sóng.
|
Đài Truyền hình Việt Nam từng có kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao 636 m ở phía tây Hồ Tây
|
Cũng như tất cả các nước trên thế giới, việc sở hữu bản quyền truyền hình World Cup vừa là để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ bóng đá song cũng là cơ hội kinh doanh của chính các nhà đài. Mức giá bản quyền truyền hình qua các kỳ World Cup ngày một gia tăng song mức tăng này cũng đã được tính đến bởi yếu tố dân số và quy mô của nền kinh tế từng nước. Bởi thế, sứ mạng của các nhà đài trong đó có VTV là phải tính được bài toán kinh doanh sao cho thành công với World Cup để vừa phục vụ công chúng vừa đem lại lợi nhuận cho mình. Lý ra, VTV phải hợp sức với các nhà đài lớn trong đó có HTV để mua xong bản quyền trước khi diễn ra World Cup cỡ nửa năm để còn đủ thời gian chào bán quảng cáo cho mình.
Nay thì thời gian đến ngày khai mạc World Cup chỉ còn tính từng ngày và đương nhiên là dù có mua được bản quyền truyền hình với giá cả chấp nhận được thì cả VTV lẫn HTV cũng không còn đủ thời gian để chào bán quảng cáo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu. Dẫu vậy, việc có bản quyền truyền hình với World Cup 2018 vẫn phải là mục tiêu đặt ra cho VTV và cũng không nhất thiết phải phát trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu mà chỉ cần với những trận quan trọng của vòng bảng và toàn bộ các trận từ vòng 2 trở đi. Còn nếu ai muốn xem trực tiếp toàn bộ các trận đấu thì phải là thuê bao của các hệ thống truyền hình trả tiền như K+ theo cách làm của một số nước khác như Malaysia.
World Cup chỉ diễn ra 4 năm một lần và muốn hay không muốn thì lãnh đạo của VTV phải giành sự ưu tiên trong những mối quan tâm của mình cho sự kiện thể thao này. Hoạt động của ngành truyền hình ở Việt Nam trong nhiều năm qua thực chất đã là kinh doanh và lãnh đạo VTV dù thế nào cũng phải lấy mục tiêu phục vụ khán giả là hàng đầu. Càng mua sớm được bản quyền World Cup, VTV càng có thời gian để biến việc sở hữu bản quyền trở thành cơ hội kinh doanh của mình.
Giờ đây, thời gian dù còn lại rất ít thì với tránh nhiệm lớn của mình, mong rằng VTV cùng HTV và các nhà đài khác hãy cùng góp sức để mua được bản quyền truyền hình World Cup 2018 để phục vụ nhân dân. Và đã là phút chót thì đối tác chào bán chắc cũng sẽ chấp nhận mức giá phù hợp hơn. Qua bài học của sự kiện này, đông đảo khán giả truyền hình chỉ mong sao VTV với nguồn lực tài chính tự chủ của mình nên có những kế hoạch đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nội dung và không lãng phí tiền bạc cho những dự án không cần thiết như xây tháp truyền hình có chiều cao nhất nhì thế giới nữa.