Ngân hàng Thế giới (WB) - nhà tài trợ đa phương lớn nhất hôm qua công bố về nợ công Việt Nam với số liệu bất ngờ. Tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Nếu xét về tỷ lệ tương đối so với GDP (186,2 tỷ USD), thì nợ công theo tính toán của WB tương đương 59% - xấp xỉ số liệu được Bộ Tài chính đưa ra. Nhưng nếu xét riêng số tuyệt đối, nợ công theo tính toán của WB cao hơn bất kỳ số liệu nào được nêu ra trước đó.
Bản tin nợ công tháng 11/2014 của Bộ Tài chính cho biết cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ nước ngoài của doanh nghiệp tự vay tự trả không tính nợ chính quyền địa phươngđạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng so với mức gần 890.000 tỷ đồng cuối năm 2010.
Theo WB, toàn bộ dữ liệu về nợ công Việt Nam được thu thập từ các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ. Nếu dựa trên con số này và mức dânsố cuối năm 2014 là 90,7 triệu người, bình quân mỗi người dân Việt Nam "gánh" gần 1.212,8 USD nợ công.
Đồng hồ nợ công củaEconomistghi nhận vào cuối năm ngoái, mỗi người Việt Nam gánh 914,1 USD nợ và hiện tại là997,9 USD.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính tới cuối năm ngoái là hơn 2.000 USD một năm.
|
Nguồn: MOF/VinaCapital |
Trong một báo cáo mới công bố, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital - đơn vị đang đầu tư hơn một tỷ USD tại Việt Nam đánh giá bức tranh tài khóa trong nước đang gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ công. "Tình hình nợ công ngày càng tệ trong những năm gần đây", công ty này cho biết.
Tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm về 50,8% vào năm 2012, nhưng dự báo tăng lên 60,3% năm 2015 và có thể tiến tới 64,9% trong năm tới - tiệm cận với ngưỡng an toàn 65% GDP. Chính phủ phát đi thông tin sẽ giảm chỉ tiêu này về 60,2% vào năm 2020, nhưng VinaCapital vẫn đặt câu hỏi làm thế nào để nợ công leo lên gần mốc 65% GDP trong năm tới và sau đó có thể giảm về 60,2%.
Các chuyên gia nước ngoài nhận định Việt Nam vay nợ cao chủ yếu do nhu cầu tài trợ ngân sách lớn. Bội chi đã tăng từ mức 4,9% GDP năm 2008 lên 5,3% GDP năm 2014. Nửa đầu năm 2015, ngân sách tiếp tục thâm hụt khoảng 99.000 tỷ đồng (4,5 tỷ USD).
Tình trạng này diễn ra khi chi tiêu của Chính phủ ngày càng tăng trong lúc nguồn thu không ổn định do Việt Nam đang trong lộ trình giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và giá dầu sụt giảm. Ngoài ra, WB cho rằng chính sách nới lỏng tài khóa để ngăn ngừa suy thoái kinh tế mạnh hơn đã dẫn tới nới rộng đáng kể thâm hụt tài khóa.
So sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN đang cạnh tranh về thu hút đầu tư, VinaCapital đánh giá Việt Nam kiểm soát tài khóa kém nhất so với các "ông hàng xóm". Điều này thể hiện qua mức thâm hụt cao nhất so với Thái Lan, Indonesia, Philippines, trong đó thungân sách của Việt Nam trên GDP giảm từ mức 26,3% năm 2009 về 20,1% năm 2014, còn các quốc gia khác lại tăng.
|
Tỷ lệ bội chi ngân sách của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nguồn: VinaCapital |
Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của WB nhận xét nợ công có xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên nguồn trả nợ. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.
Ngoài ra, nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công. Ngoài các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh đã được tính toán, WB cho rằng vẫn còn nhiều khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê một cách đầy đủ. "Các khoản nợ này ước tính có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa", WB cảnh báo.
Để kiềm chế áp lực nợ công, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần củng cố tài khóa phù hợp với tăng trưởng để giảm bớt nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, đồng thời phải hợp lý hóa nguồn chi và cải thiện hiệu quả đầu tư công.
Lấy ví dụ về Hy Lạp, bà Kwakwa cho hay Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng tệ như vậy, nhưng cũng cần có những giải pháp ngay từ lúc này, trong đó chú trọng tới công tác thu thập thông tin và cập nhật nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước để có đánh giá rủi ro kịp thời.
"Câu chuyện xảy ra tại Hy Lạp không phải chỉ sau một đêm mà đã diễn ra trong thời gian dài. Do đó, Việt Nam cần thu thập thông tin tốt, số liệu tin cậy sẽ là nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách, ra quyết định chính sách", bà nhấn mạnh.
Phương Linh theo VnExpress