Thông tin này được cho biết trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương tháng 10/2022 mà World Bank vừa công bố.
Theo đó, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều đang chứng kiến sự phục hồi sau đại dịch trong nửa đầu năm 2022, ngoại trừ Trung Quốc.
World Bank cho biết, việc tiếp tục thực thi các chính sách ‘zero – COVID’ và áp dụng các lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất công nghệ và dịch vụ của Trung Quốc.
Do đó, World Bank đã hạ mức tăng trưởng của nước này từ 5% trong dự báo hồi tháng 4 xuống mức 2,8%. Kéo theo dự báo tốc độ tăng trưởng của cả khu vực cũng chậm lại xuống mức 3,2% cho cả năm 2022 – thấp hơn nhiều so với mức 5% được dự báo trước đó.
Đáng chú ý, Việt Nam lại là nước được World Bank dự báo sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng trong năm 2022 là 7,2% - cải thiện đáng kể so với mức dự báo 5 tháng trước là 5,3%.
Dù chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hoà giữ nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, sức ép lạm phát tăng cao và các rủi ro khác.
Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình dựa trên tăng năng suất đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn sản xuất, vốn tự nhiên, con người.
Báo cáo cho thấy, các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang kiểm soát giá cả của hàng hoá nhiều hơn các khu vực đang phát triển khác, trừ Trung Đông và Bắc Phi.
Tuy nhiên, các biện pháp này đang nghiêng nhiều về phía nông dân trồng lúa và các loại ngũ cốc, trong khi người tiêu dùng chuộng tiêu thụ rau, trái cây và thịt.
Đáng chú ý, một số nước đang đảo ngược xu hướng cắt giảm trợ cấp đối với nhiên liệu hoá thạch. Tại Indonesia và Malaysia, khoản trợ cấp này đã tăng từ khoảng 1% GDP năm 2020 lên hơn 2% trong năm 2022.
World Bank cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải carbon, khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá cả trong tương lai./.