|
Lãnh đạo WHO cho biết biến chủng Delta đã lan ra 104 quốc gia và trở thành chủng virus chủ đạo trên thế giới (Ảnh: WHO). |
Chủng đột biến Delta đã lan khắp 104 quốc gia
Sáng nay (13/7), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói tại cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ: tuần trước là tuần thứ tư liên tiếp số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên, và số người chết cũng bắt đầu gia tăng trở lại sau 10 tuần giảm liên tiếp.
Ông Tedros Adhanom chỉ ra rằng chủng biến thể Delta đang nhanh chóng lây lan khắp thế giới, dẫn đến gia tăng số ca mắc và tử vong. Theo thống kê, hiện biến chủng Delta đã xuất hiện tại ít nhất 104 quốc gia và khu vực, WHO dự đoán nó sẽ sớm trở thành dòng virus chủ đạo lây lan trên toàn cầu, và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ông Tedros Adhanom nói rằng đặc biệt ở những quốc gia không có vaccine, biến thể Delta và các biến thể có khả năng lây nhiễm cao khác đang trở thành một làn sóng thảm họa, đẩy số người nhập viện và tử vong tăng lên. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nơi đều bị ảnh hưởng như nhau, giữa các quốc gia trên thế giới đang trải qua đại dịch COVID-19 với sự cách biệt ngày càng lớn hơn.
|
Ông Tedros Adhanom cảnh báo: tuần trước là tuần thứ tư liên tiếp số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên, và số người chết cũng bắt đầu gia tăng trở lại sau 10 tuần giảm liên tiếp (Ảnh: Getty). |
Đối mặt với biến thể Delta đang đe dọa mạnh mẽ, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO cũng nói tại cuộc họp báo rằng hầu hết những người bị nhiễm biến chủng Delta sau khi đã tiêm chủng đều có các triệu chứng nhẹ, nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng vaccine không có khả năng bảo vệ 100%, mà chỉ là 60% tới 70% sức bảo vệ, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tiếp tục thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn.
Bà Swaminatan cũng cho biết vẫn còn khoảng 105 loại vaccine ứng cử viên đang được nghiên cứu phát triển và hàng chục loại vaccine khác đang trong giai đoạn thử nghiệm 3. Theo bà, đây là thông tin tốt lành.
Không nên tiêm lẫn các loại vaccine
Cũng tại cuộc họp báo sáng 134/7, chuyên gia hàng đầu của WHO này đề nghị không nên sử dụng lẫn các loại vaccine COVID-19 khác nhau, gọi đây là một “xu hướng nguy hiểm” vì nó có hại cho sức khỏe con người, hiện có rất ít các thông tin liên quan.
Bà Soumya Swaminathan nói: "Đây là một xu hướng hơi nguy hiểm. Về ưu và nhược điểm, lợi hay hại của việc tiêm lẫn các loại vaccine, chúng tôi thiếu các dữ liệu và chứng cứ"; "Một khi mọi người bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều thứ hai, thứ ba và thứ tư, sẽ gây ra hỗn loạn trên toàn quốc", bà kết luận.
|
Bà Soumya Swaminathan cảnh báo không nên tiêm lẫn các loại vaccine COVID-19 khác nhau (Ảnh: WHO). |
Bộ Y tế Mỹ: không cần tiêm chủng liều vaccine thứ ba
Cũng liên quan đến vaccine COVID-19, các quan chức y tế Mỹ hôm nay (13/7) sau khi tham vấn với hãng sản xuất vaccine Pfizer đã nhắc lại rằng không cần tiêm thêm liều vaccine thứ ba.
Người phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết sau cuộc họp với Pfizer hôm nay, bộ này đã khẳng định lại rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine COVID-19 không cần phải tiêm thêm liều thứ ba.
Reuters đưa tin, tuần trước Pfizer cho biết, thứ nhất là do có bằng chứng cho thấy nguy cơ lây nhiễm tăng lên sau 6 tháng tiêm chủng; thứ hai, do sự lây lan của biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao, họ có kế hoạch yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Mỹ cho phép tiêm bổ sung liều thứ 3 vaccine ngừa COVID-19.
Người phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết, sau khi nghe Pfizer báo cáo tóm tắt dữ liệu sơ bộ mới nhất về tiêm chủng, các quan chức trong bộ sẽ tiếp tục thảo luận xem liệu có cần tiêm bổ sung hay không và lịch tiêm trong tương lai. Pfizer cho biết họ có kế hoạch đăng tải "dữ liệu có tính quyết định" trên các tạp chí được bình duyệt.
Người phát ngôn của Pfizer, Sharon Castillo nói: “Pfizer và chính phủ Mỹ có chung cảm giác cấp bách và cho rằng cần phải hành động trước khi virrus gây bệnh. Chúng tôi cũng nhất trí rằng sẽ tiếp tục tuân theo quy trình giám sát nghiêm ngặt và dữ liệu khoa học để quyết định bước tiếp theo”.
|
Bộ Y tế Mỹ và Pfizer cho rằng không nên tiêm bổ sung liều vaccine thứ ba |
Dòng đột biến Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, hiện đã trở thành dòng virus chính gây ra các ca nhiễm mới ở nhiều quốc gia, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu khả năng bảo vệ của vaccine có đủ hay không. Một số chuyên gia cho rằng nếu số người mắc bệnh phải nhập viện hoặc số người chết tăng đáng kể, thì sẽ cần thiết phải tiêm thêm liều vaccine thứ ba.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay tuyên bố rằng, trong khi nhiều nước nghèo vẫn chưa có được vaccine COVID-19, các nước giàu không nên ra lệnh tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đủ hai liều trong nước họ.
7 công nhân xây dựng ở Thái Lan cùng lúc nhiễm hai biến chủng virus Alpha và Delta
Theo hãng tin CNA ngày 13/7, Chính phủ Thái Lan cho biết tại một công trường xây dựng ở Bangkok có 7 công nhân bị phát hiện nhiễm cả virus biến thể Alpha lẫn biến thể Delta. 7 người này chưa xuất hiện triệu chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, cơ quan y tế Thái Lan sẽ đặc biệt chú ý xem liệu có xuất hiện virus biến thể mới hay không.
Ông Supakit Sirilak, Vụ trưởng Vụ Khoa học Y dược của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, thông báo tại cuộc họp báo hôm nay (13/7) rằng, ở một công trường xây dựng lớn ở Bangkok đã phát hiện 7 công nhân đồng thời bị nhiễm virus biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện tại Vương quốc Anh và virus biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ.
|
Nguy cơ lây nhiễm trong các khu ký túc xá công nhân ở Bangkok rất nghiêm trọng (Ảnh: nowsnews). |
Supakit Sirilak cho biết tình trạng sức khỏe hiện tại của 7 người này đều ổn, không có triệu chứng gì đáng lo ngại, việc bị nhiễm hai loại virus cùng lúc không có nghĩa là bệnh nhân sẽ có thêm các triệu chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng nếu ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm đồng thời các loại virus khác nhau thì có thể tạo ra các loại virus biến thể mới, và đây là một diễn biến mà không ai muốn thấy.
Tại công trường xây dựng lớn ở Bangkok này, 1.327 trong số 1.737 công nhân đã dương tính, 23,3% trong số họ được xác nhận là bị nhiễm biến thể Alpha và 73,7% bị nhiễm biến thể Delta.
Ông Supakit Sirilak chỉ ra rằng trong các trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 ở Thái Lan từ ngày 1/4 đến ngày 9/7, số người nhiễm biến thể Alpha chiếm 74,1%, số người nhiễm biến thể Delta chiếm 24,1% và số nhiễm biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi chiếm 1,78%. Tuy nhiên, ở khu vực Bangkok, biến thể Delta đã trở thành chủng quan trọng nhất chiếm 57,1% số trường hợp được xác nhận, số còn lại là nhiễm biến thể Alpha.
Kể từ khi đợt dịch thứ ba bùng phát ở Thái Lan vào tháng 4, đã có nhiều vụ lây nhiễm cộng đồng tại các công trường xây dựng ở Bangkok. Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa các công trường xây dựng ở Bangkok và 5 tỉnh xung quanh từ ngày 28/6, đồng thời phong tỏa các ký túc xá của công nhân để ngăn cản lây nhiễm chéo. Theo thống kê chính thức của Thái Lan, ở Bangkok có 575 ký túc xá công nhân xây dựng như vậy với khoảng 81.000 công nhân xây dựng sống trong đó.
|
FDA cảnh báo vaccine vaccine Johnson & Johnson có thể gây hội chứng thần kinh nguy hiểm (Ảnh: pharmaceutical-technology). |
FDA cảnh báo tiêm vaccine Johnson & Johnson có thể gây mắc chứng Guillain-Barre
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 13/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hôm thứ Hai (ngày 12/7) đã đưa ra cảnh báo mới về vaccine COVID-19 do hãng Johnson & Johnson phát triển. Trong vòng 42 ngày sau khi tiêm chủng, vaccine này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng thần kinh Guillain-Barre (Guillain-Barré syndrome). Tuy nhiên, các nhà chức trách hiện vẫn chưa xác định được việc phát bệnh có phải do vaccine này hay không.
Theo FDA, các nhà chức trách đã nhận được báo cáo rằng có khoảng 100 người mắc hội chứng Guillain-Barre sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson, trong đó 95 người trong tình trạng nghiêm trọng và phải nhập viện, 1 người trong số họ đã tử vong. Hầu hết bệnh nhân là nam giới trên 50 tuổi. Hai tuần sau khi tiêm chủng, họ lần lượt xuất hiện các triệu chứng như yếu hoặc đau nhức ở tay và chân, cũng như khó khăn trong việc đi lại, nói và nhai.
Công ty Johnson & Johnson đã đưa ra thông báo xác nhận rằng họ đang thảo luận về báo cáo trên với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và FDA, nhưng nhấn mạnh rằng xác suất mắc hội chứng Guillain-Barre sau khi tiêm chủng là rất thấp, và tỷ lệ này cao hơn một chút so với tỷ lệ chuẩn.
CDC tiết lộ với báo chí Mỹ rằng hội chứng Guillain-Barre là một bệnh thần kinh, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh ngoại vi, gây ra yếu cơ và tê liệt trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Mỗi năm có 3.000 đến 6.000 người ở Mỹ mắc hội chứng Guillain-Barre và hầu hết các trường hợp là do các bệnh về đường hô hấp dẫn tới.
Indonesia: lần đầu tiên vượt mốc 40.000 người nhiễm trong một ngày, có thể gần một nửa dân thủ đô đã nhiễm bệnh
Indonesia có thêm 40.427 trường hợp được xác nhận mắc bệnh viêm phổi vành mới vào ngày 12/7, lập kỷ lục mới. Tổng số người Indonesia mắc COVID-19 đã lên tới 2.567630; số ca tử vong ngày là 891 người và tổng số người chết đã tới 67.355 người. Số ca nhiễm mới ở Indonesia đã lập kỷ lục hơn 35.000 người trong 4 ngày liên tiếp và lần đầu tiên phá vỡ mốc 40.000 người vào ngày 12/7.
|
Số ca tử vong và số ca nhiễm mới ở Indonesia vẫn đang liên tiếp gia tăng (Ảnh: CNA). |
Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 9/7, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát và Kiểm soát Dịch bệnh COVID-19 ở Indonesia, Erlangka, chỉ ra rằng chính phủ có kế hoạch bắt đầu tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho cho các nhân viên y tế vào tuần tới. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3/2020, có 1.231 nhân viên y tế ở Indonesia đã chết vì dịch, trong đó có 458 bác sĩ và 393 y tá. Mỹ đã cam kết viện trợ 4 triệu liều vaccine Moderna cho Indonesia, trong đó 3 triệu liều đến vào ngày 11/7.
Các chuyên gia của chính quyền Jakarta cùng các nhà dịch tễ học của Đại học Indonesia và Viện Nghiên cứu Y sinh Eijkman đã tiến hành một cuộc khảo sát về kháng thể trong huyết thanh từ ngày 15-31/3 và công bố kết quả vào ngày 10/7. Theo trang web Lianhe Zaobao của Singapore, kết quả cuộc khảo sát huyết thanh cho thấy 44,5% người dân Jakarta đã bị nhiễm COVID-19, tương đương khoảng 4,71 triệu người, trong đó chỉ có 8,1% từng được ghi nhận và chỉ 37% có triệu chứng. Từ đó suy ra, các số liệu chính thức về dịch bệnh ở Jakarta thấp hơn nhiều mức độ lây nhiễm thực sự. Vì cuộc khảo sát được tiến hành vào cuối tháng 3, nên đến nay có thể hầu hết mọi người đều đã có kháng thể.
Cuộc khảo sát này tiến hành tại 100 cộng đồng ở tất cả sáu quận hành chính của Jakarta, mục tiêu lấy mẫu ở 5.000 người và mẫu thực tế lấy được 4.919 người, 21,6% trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi, 52% trong độ tuổi từ 15 đến 49, và 26,4 % là những người trên 50 tuổi. 54% đối tượng xét nghiệm là phụ nữ, 46% còn lại là nam giới.
Mặc dù cuộc khảo sát huyết thanh học này cho thấy gần một nửa dân số Jakarta có kháng thể, nhưng ông Pandu, giáo sư Sức khỏe cộng đồng tại Đại học Indonesia, người tham gia nghiên cứu, chỉ ra rằng do tính di chuyển hàng ngày của người dân Jakarta cao và những cư dân từ các thành phố xung quanh đến Jakarta thường xuyên, rất khó để đạt được miễn dịch quần thể; những người sống ở Jakarta và những người lui tới đây đều phải được tiêm chủng mới có thể đối phó các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2.