IFRC: Indonesia đã ở bên bờ vực thẳm của đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình dịch COVID-19 ở Indonesia tiếp tục nghiêm trọng. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tuyên bố Indonesia đang "đứng chênh vênh bên bờ vực của thẳm họa COVID-19”.
Do các bệnh viện quá tải, người bệnh phải nằm, ngồi trong các căn lều tạm (Ảnh: storm).
Do các bệnh viện quá tải, người bệnh phải nằm, ngồi trong các căn lều tạm (Ảnh: storm).

Số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong một ngày ở Indonesia đã đạt mức kỷ lục mới vào ngày 7/7 với 34.379 bệnh nhân mới, (cao thứ ba trên thế giới), số ca tử vong lần đầu tiên vượt quá 1.000, lên tới 1.040, chỉ đứng sau 1.595 ca của Brazil.

Thiếu oxy y tế, số người chết tăng, nhu cầu quan tài tăng vọt

Trong xưởng gỗ ở thủ đô Jakarta, chủ cửa hàng quan tài 62 tuổi Pupa cho biết, công việc kinh doanh đã tăng hơn gấp đôi. Trước tình hình các ca bệnh tăng đột biến, trước đây cửa hàng thường đóng hơn 10 chiếc quan tài mỗi ngày; "nhưng bây giờ, tôi mỗi ngày nhận khoảng 30 đơn hàng, khối lượng công việc đã tăng hơn gấp đôi".

Trong tình hình virus biến thể Delta xâm nhập, một quan chức cấp cao của Indonesia ngày 6/7 nói, dự kiến ​​số trường hợp được xác nhận trong một ngày có thể tăng lên 40.000 đến 50.000 ca trong tương lai.

Dịch bệnh nóng lên khiến hệ thống y tế địa phương quá tải. Tính đến ngày 2/7, tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên cả nước đã đạt 75%. Tại khu vực đông dân cư của đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta nằm, tỷ lệ sử dụng đã vượt quá 90%, nhiều bệnh viện đã quá tải.

Số người chết vì COVID-19 trong một ngày ở Indonesia đã vượt mốc 1.000 vào ngày 7/7 (Ảnh: storm).

Số người chết vì COVID-19 trong một ngày ở Indonesia đã vượt mốc 1.000 vào ngày 7/7 (Ảnh: storm).

Những căn lều tạm chật kín bệnh nhân đang chờ được điều trị. Nhiều khu vực đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn lực y tế. Ông Luhut, Bộ trưởng Điều phối Đầu tư và Các vấn đề Hàng hải của Indonesia nói: "Nhu cầu oxy đã tăng gấp 3-4 lần, và việc phân phối bị cản trở."

Giống như một bản sao của Ấn Độ, hệ thống y tế Indonesia đã bị quá tải, thậm chí các bệnh nhân tại một bệnh viện ở thành phố Yogyakarta đã chết do thiếu oxy.

Nhiều bệnh nhân không thể đợi được giường, đành phải tự cách ly điều trị tại nhà. Dân chúng xếp hàng dài trong các trạm nạp oxy dân dụng và giá oxy cũng tăng gấp đôi. Sarriando, một người dân Jakarta nói: "Tôi đến vào lúc 7 giờ sáng và phải xếp hàng trong 6 giờ. Oxy này là dành cho những người thân bị bệnh".

Chính phủ Indonesia đã ra lệnh cho các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất oxy y tế và tăng sản lượng. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi kêu gọi người dân không được tích trữ bình ôxy, nói rằng điều này sẽ chỉ dẫn đến việc thiếu oxy cho những người khác đang có nhu cầu.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị trong lều tạm dựng bên ngoài bệnh viện (Ảnh: storm).

Bệnh nhân COVID-19 điều trị trong lều tạm dựng bên ngoài bệnh viện (Ảnh: storm).

Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins (JHU), Mỹ, tính đến ngày 7/7, Indonesia đã có tổng cộng 2.379.397 ca lây nhiễm được xác nhận và 62.908 ca tử vong. Đây là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á, với các trường hợp được xác nhận mỗi ngày trong 10 ngày qua luôn ở mức trên 20.000. Các chuyên gia cho biết, do thiếu năng lực sàng lọc nghiêm trọng ở các khu vực ngoài thủ đô Jakarta, con số người bị bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức.

"Tình trạng khẩn cấp như chiến tranh"

Ngày 3 và 4/7, các phòng cấp cứu và khu chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện công ở 3 thành phố Bandung, Surakarta và Pamekasan ở Java cho biết, họ đang rất nỗ lực để đối phó với lượng người bệnh ồ ạt kéo đến, một số bệnh viện buộc phải từ chối bệnh nhân.

Hai bệnh viện ở thành phố Bandung, đảo Java, Indonesia ngày 5/7 thông báo đã sử dụng hết các bình oxy và buộc phải từ chối những bệnh nhân mới cần cấp cứu. Một trong những bệnh viện là Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bandung (RSUD) từ hôm 2/7, Phòng cấp cứu đã không còn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, việc thiếu bình oxy là một trong những nguyên nhân của việc chẳng đừng này.

Dân chúng xếp hàng dài chờ mua oxy về nhà tự điều trị cho người thân (Ảnh: CNA).

Dân chúng xếp hàng dài chờ mua oxy về nhà tự điều trị cho người thân (Ảnh: CNA).

Ông Mulyadi, Giám đốc bệnh viện RSUD, nói với BBC rằng các nhà cung cấp và bán lẻ hiện đang thiếu oxy, và các nhà sản xuất đang cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của các bệnh viện.

Bác sĩ Syaiful Hidayat, người chuyên về các bệnh phổi tại Bệnh viện Smart Pamekasan ở Java, nói với BBC: "Hàng ngày có rất nhiều người đến (bệnh viện), và có từ 10 đến 15 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày, hàng người xếp hàng rất dài”. Ông Hidayat cho biết ban đầu bệnh viện khẩn cấp dựng lều để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhưng sau đó buộc phải từ chối một số bệnh nhân COVID-19.

Một phụ nữ Indonesia đang cố gắng tìm bệnh viện điều trị cho người mẹ già của mình đang bị nhiễm COVID-19 nói với BBC rằng mẹ cô đã bị một bệnh viện từ chối vì không có giường và chỉ có thể được nhận vào nằm trong một căn lều tạm thời do một bệnh viện khác dựng lên. “Thật chẳng khác nào tình trạng khẩn cấp như trong chiến tranh".

Tình cảnh phổ biến tại các bệnh viện ở Indonesia hiện nay (Ảnh: CNA).

Tình cảnh phổ biến tại các bệnh viện ở Indonesia hiện nay (Ảnh: CNA).

IFRC: Indonesia đã trên bờ vực của thảm họa

Chính phủ Indonesia ngày 4/7 đã tuyên bố, kể từ đầu tháng 5, số lượng tang lễ được tổ chức hàng ngày ở thủ đô Jakarta theo diễn biến của dịch COVID-19 đã tăng gấp 10 lần. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tuyên bố rằng Indonesia đang "đứng chênh vênh bên bờ vực của thảm họa COVID-19”.

Vaccine của Indonesia chủ yếu dựa vào vaccine Sinovac của Trung Quốc. Các chuyên gia hiện đang cân nhắc việc cho mọi người tiêm liều vaccine Sinovac thứ ba để cải thiện hiệu quả chống lại chủng virus biến thể Delta.

Số ca bệnh mới được xác nhận ở Indonesia chưa bao giờ giảm. Bắt đầu từ tháng 7 này, độ tuổi tiêm chủng sẽ được nới lỏng, có thể tiêm chủng cho những người từ 12 đến 17 tuổi. Ngoài ra, việc kiểm soát biên giới cũng được thắt chặt. Bắt đầu từ ngày 6/7, Indonesia sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và phòng chống dịch bệnh, tất cả hành khách khi nhập cảnh phải xuất trình giấy chứng nhận đã hoàn thành tiêm phòng, lưu trú trong khách sạn cách ly 8 ngày, trải qua 2 lần kiểm tra axit nucleic (PCR) trong thời gian này, nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị.

Hiện 8% dân số Indonesia đã được tiêm vaccine, chính phủ bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân (Ảnh: Yahoo).

Hiện 8% dân số Indonesia đã được tiêm vaccine, chính phủ bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân (Ảnh: Yahoo).

Các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, bởi do virus biến chủng Delta hoành hành, tình hình dịch bệnh của Indonesia tiếp tục nghiêm trọng và nguồn cung cấp vật tư y tế thiếu hụt, giờ đây quốc gia này được ví như phiên bản của Ấn Độ.

Các nước ra hay hỗ trợ Indonesia thoát cơn nguy cấp

Trước tình hình dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở Indonesia, Chính phủ Australia hôm 7/7 cho biết sẽ tài trợ vaccine, máy tạo oxy và bộ kit sàng lọc kháng nguyên nhanh để giúp Indonesia chống lại dịch bệnh. Các nước Mỹ, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hà Lan, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, v.v. đã liên tiếp cung cấp nguồn lực y tế hoặc hứa hẹn hỗ trợ.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hôm qua ra thông cáo báo chí cho biết Australia sẽ cung cấp cho Indonesia 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, 1.000 máy thở, 700 máy tạo oxy, 170 bình oxy và 40.000 bộ thử nhanh sàng lọc kháng nguyên và vật tư y tế khác.

Các chuyên gia y tế Indonesia đề nghị tiêm thêm mũi Sinovac thứ 3 để đảm bảo hiệu quả phòng COVID-19 (Ảnh: Yahoo).

Các chuyên gia y tế Indonesia đề nghị tiêm thêm mũi Sinovac thứ 3 để đảm bảo hiệu quả phòng COVID-19 (Ảnh: Yahoo).

Thông cáo báo chí chỉ ra rằng số trường hợp được xác nhận ở Indonesia tiếp tục tăng và sự hỗ trợ của Australia có thể giúp Indonesia mở rộng năng lực sàng lọc, duy trì năng lực của hệ thống y tế và cung cấp các nhu cầu y tế khẩn cấp; điều này cũng thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Australia giúp Indonesia chống dịch.

Cơ quan truyền thông Liputan6 của Indonesia đưa tin rằng trong năm nay có tổng cộng 9 quốc gia đã ra tay hoặc hứa cung cấp hỗ trợ.

Mỹ sẽ cung cấp 4 triệu liều vaccine Moderna thông qua Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vaccine COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Indonesia 2,1 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 998.000 liều đã đến Indonesia vào ngày 2/7 và những liều khác sẽ đến trong thời gian tới. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tặng 500.000 liều vắc xin Sinopharm vào tháng 5.

Đầu tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết Hà Lan sẽ cung cấp 3 triệu liều vaccine, và Vương quốc Anh cũng đã hứa cung cấp vaccine. Ngoài ra, Hàn Quốc và Nga sẽ cùng sản xuất vaccine với Indonesia.

Trung Quốc đi đầu trong việc cung cấp vaccine Sinovac cho Indonesia vào đầu năm nay, sau đó đã được chuyển giao theo đợt. Tính đến đầu tháng 7, Indonesia đã nhận được hơn 105 triệu liều vaccine Sinovac, chiếm khoảng 90% số vaccine được sử dụng ở Indonesia.

Indonesia đã nhận 105 triệu liều vaccine Sinovac, chiếm 90% tổng số vaccine ở nước này (Ảnh: Yahoo).

Indonesia đã nhận 105 triệu liều vaccine Sinovac, chiếm 90% tổng số vaccine ở nước này (Ảnh: Yahoo).

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 2/7 đã nói trong một cuộc họp với truyền thông nước ngoài tại Jakarta rằng chỉ có Trung Quốc có thể cung cấp tổng cộng khoảng 125 triệu liều vaccine Sinovac vào cuối năm nay theo hợp đồng. AstraZeneca theo hợp đồng cuối năm nay phải cung cấp 50 triệu liều vaccine, nhưng do chậm tiến độ nên đến cuối năm nay chỉ có thể cung cấp được 30 triệu liều.

Ông Budi Gunadi Sadik chỉ ra rằng việc mua 50 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech của Indonesia cũng bị trì hoãn vì một số lý do và hy vọng sẽ có được vào tháng 8. Ngoài ra, còn có 50 triệu liều vaccine từ công ty dược phẩm công nghệ sinh học Novavax của Mỹ vốn sẽ được nhận vào tháng 7, nhưng đã bị trì hoãn vì một số lý do. Indonesia hy vọng có thể nhận được số vaccine này trước cuối năm nay.