WHO cảnh báo về "miễn dịch cộng đồng", gọi đây là hành động "vô nhân đạo"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra cảnh báo về việc một số quốc gia để cho virus corona chủng mới lây lan với hy vọng đạt được cái gọi là “miễn dịch cộng đồng”, cho rằng hành động này là “vô đạo đức”.
WHO chỉ ra nhiều trường hợp một người nhiễm COVID-19 tới hai lần (Ảnh: AFP)
WHO chỉ ra nhiều trường hợp một người nhiễm COVID-19 tới hai lần (Ảnh: AFP)

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã cảnh báo về lời kêu gọi ở một số quốc gia để cho dịch COVID-19 tiếp diễn cho đến khi có đủ số lượng người phát triển hệ miễn dịch một cách từ nhiên, từ đó ngăn chặn được đà lây lan của đại địch.

“Miễn dịch cộng đồng là một khái niệm được sử dụng cho tiêm chủng, trong đó một bộ phận dân số có thể được bảo vệ trước một chủng virus nhất định nếu đạt được một ngưỡng tiêm chủng nào đó” – ông Tedros chỉ ra trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Ông đưa ra một ví dụ với bệnh sởi, ước tính trên thế giới có khoảng 95% người dân được tiêm chủng phòng bệnh, 5% còn lại cũng được bảo vệ khỏi sự lây lan của virus. Còn đối với bệnh bại liệt, ngưỡng tiêm chủng ước tính đạt 80%.

“Miễn dịch cộng đồng đạt được nhờ vào việc bảo vệ người dân khỏi một chủng virus, chứ không phải để cho họ nhiễm virus” – ông Tedros cảnh báo – “Trong lịch sử ngành y tế công, chưa từng có việc người ta sử dụng miễn dịch cộng đồng như một chiến lược để phản ứng trước một đợt bùng phát dịch, chưa kể đây là một đại dịch”.

Hiện virus corona chủng mới đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người và khiến hơn 37,5 triệu người nhiễm kể từ khi nó xuất hiện ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Chỉ dựa vào phát triển miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên trong tình trạng hiện này là “có vấn đề xét về mặt đạo đức và khoa học”; ông Tedros nói.

“Để cho một chủng virus nguy hiểm mà chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ được lây lan tự do đơn giản là hành động vô đạo đức. Đó không phải một lựa chọn”; ông nói.

Tiến sĩ Tedros chỉ ra sự thiếu thốn thông tin trong phát triển miễn dịch với COVID-19, trong đó bao gồm phản ứng miễn dịch mạnh ra sao và kháng thể tồn tại trong cơ thể người bao lâu. Trong một số trường hợp, người bệnh thậm chí còn bị nhiễm virus corona chủng mới lần thứ hai.

Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh về các vấn đề sức khỏe dài hạn đối với người nhiễm COVID-19, trong đó các nhà nghiên cứu mới chỉ hiểu được có một phần. Ông dẫn ra một con số ước tính rằng, chỉ dưới 10% tổng dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới được tin là đã nhiễm COVID-19.

“Phần lớn người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm chủng virus này” – ông Tedros nói – “Bởi vậy mà để cho virus lây lan mà không kiểm soát đồng nghĩa với việc để người ta lây nhiễm, chịu đựng và tử vong không cần thiết”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AP)
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AP)

Tính tổng thể, ước tính có khoảng 0,6% người dân bị nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã tử vong vì căn bệnh này; bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật trong chiến dịch chống COVID-19 của WHO, nói trong buổi họp báo trực tuyến. “Nghe thì có vẻ không nhiều, nhưng tỷ lệ này vẫn cao hơn so với bệnh cúm”; bà nói.

Bà Kerkhove cũng chỉ ra rằng “tỷ lệ tử vong sau khi mắc bệnh tăng đột biến theo độ tuổi”. Mặc dù người già và những người có bệnh nền rõ ràng là dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tử vong, do COVID-19, nhưng ông Tedros nhấn mạnh rằng họ không phải những người duy nhất chịu rủi ro. “Người dân ở mọi độ tuổi đều có thể tử vong”; ông nói.

WHO cũng nêu rõ sự lạc quan của họ với tốc độ phát triển vaccine nhanh chóng hiện nay nhằm chống lại COVID-19, trong đó có 40 chủng vaccine ứng viên tiềm năng đã đi vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, 10 chủng trong số này đang trong giai đoạn thử nghiệm 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đưa ra lời hứa hẹn rằng một chủng vaccine ngừa COVID-19 hữu hiệu và an toàn sẽ sẵn có ngay trước thời điểm tổ chức kỳ bầu cử Tổng thống ngày 3/11 tới.

Tuy nhiên, nhà khoa học hàng đầu cảu WHO, Soumya Swaminathan, nói rằng các chủng vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng khó có thể đưa ra được đủ lượng dữ liệu để được phê chuẩn sử dụng trong năm nay, sớm nhất cũng phải là vào tháng 12 năm nay.

“Vào thời điểm đầu năm 2021, chúng tôi kỳ vọng rằng một số cuộc thử nghiệm sẽ cho ra dữ liệu để các nhà quản lý nhìn vào” – bà Swaminathan nói, thêm rằng sau đó các quản lý cần phải xem xét kỹ lưỡng dữ liệu thử nghiệm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về phê duyệt vaccine – “Sẽ có rất nhiều dữ liệu”.

Giám đốc WHO Tedros cũng nhấn mạnh rằng, nhiều quốc gia đang báo cáo con số người nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục trong 4 ngày vừa qua, đồng thời chỉ ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của COVID-19 ở châu Âu và châu Mỹ.

Ngoài ra, nước Anh cũng đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của virus corona. Nước này hiện ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực châu Âu, khiến cho Thủ tướng Boris Johnson phải ra chỉ thị đóng cửa các quán bar ở thành phố Liverpool như một phần trong chiến lược mới ngăn chặn đà lây lan của đại dịch.

Ông Johnson hôm đầu tuần này nói rằng các doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng sự tập trung của ông riêng vào việc đóng cửa các địa điểm du lịch nổi tiếng đã làm dấy lên sự phẫn nộ.