Lãnh đạo EU và các nước G7 đồng loạt ủng hộ điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ đối với cuộc điều tra lại nguồn gốc của SARS-CoV-2 do Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy và thúc giục Trung Quốc cho phép các nhà nghiên cứu "tiếp cận đầy đủ" mọi dữ liệu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 10/6 ủng hộ điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 10/6 ủng hộ điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Đồng thời, một bản dự thảo Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7 bị rò rỉ cho thấy các nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành một cuộc điều tra mới và minh bạch về nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2). Phía Trung Quốc vẫn một lần nữa bác bỏ quan điểm cho rằng virus có nguồn gốc rò rỉ từ sự cố trong phòng thí nghiệm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang tiến hành chuyến thăm châu Âu, đã hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm thứ Năm (10/6). Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh, từ 11 đến 13/6. Một trong những mục đích chính của chuyến công du châu Âu của ông Joe Biden là tìm kiếm phản ứng chung của Mỹ và Châu Ấu đối với những thách thức mà Trung Quốc gây ra.

Trong vấn đề thúc đẩy việc tái điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với đề xuất của Mỹ.

"Để rút ra bài học, chúng ta cần phải hoàn toàn hiểu rõ. Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực để có sự hiểu biết rõ ràng", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michelle nói với các phóng viên trước khi tới Anh dự hội nghị thượng đỉnh G7. "Thế giới có quyền biết rốt cục điều gì đã xảy ra để có thể rút kinh nghiệm".

Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 sẽ ra tuyên bố ủng hộ việc tái điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 sẽ ra tuyên bố ủng hộ việc tái điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng lặp lại quan điểm của ông Charles Michel tại cùng cuộc họp báo. Bà nói: "Biết rõ được nguồn gốc của SARS-CoV-2 là rất quan trọng".

Bà nói: "Chúng ta cần phải biết nó đến từ đâu để rút ra những bài học đúng đắn và phát triển các công cụ phù hợp để đảm bảo rằng những vụ việc như vậy không xảy ra nữa". Bà nói thêm: “Do đó, các nhà nghiên cứu cần được tiếp cận đầy đủ mọi thứ cần thiết mới thực sự tìm ra nguồn gốc của trận đại dịch này”.

Trong khi các nhà lãnh đạo EU bày tỏ quan điểm như trên, một bản dự thảo thông cáo về Hội nghị thượng đỉnh G7 bị rò rỉ cho thấy các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu có kế hoạch kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới mở một cuộc điều tra mới và độc lập về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Hãng tin Bloomberg đã lần đầu tiên có được bản thảo của thông cáo này.

Đồng thời, theo một dự thảo kết luận mà trang tin chính trị Politico của Mỹ có được, EU và Mỹ còn có kế hoạch lợi dụng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU vào tuần tới để kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "minh bạch, dựa trên bằng chứng và không bị cản trở".

Những lời yêu cầu quốc tế về Trung Quốc hợp tác toàn diện trong cuộc điều tra về SARS-CoV-2 ngày càng mạnh mẽ hơn, phản ánh từ một khía cạnh rằng các đồng minh phương Tây đang đoàn kết rộng rãi hơn để chống lại Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters)

Trong vấn đề nguồn gốc của SARS-CoV-2, sự đồng thuận rộng rãi của các chuyên gia khoa học khả dĩ nhất vẫn là SARS-CoV-2 được truyền từ vật chủ động vật sang người trong một sự kiện tự nhiên. Một cuộc điều tra thực địa do các chuyên gia của WHO và Trung Quốc thực hiện vào đầu năm nay đã kết luận rằng đại dịch này "rất khó" bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom thừa nhận rằng cuộc khảo sát này “không đủ rộng rãi”. Ông bày tỏ lo ngại rằng các nhà nghiên cứu không được tiếp cận đầy đủ thông tin và nói rằng cần phải làm nhiều việc hơn để xem xét tất cả các khả năng.

Sau khi tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin rằng ba nhà nghiên cứu từ Viện Virus Vũ Hán phải nhập viện vào tháng 11 năm 2019, giả thuyết về việc liệu SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã gây nên sự chú ý chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 26/5, yêu cầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tăng gấp đôi nỗ lực của họ để thu thập và phân tích thông tin về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 và báo cáo cho ông ba tháng sau về SARS-CoV-2 đến từ nguồn động vật hoặc sự cố trong phòng thí nghiệm. Vào thời điểm đó, ông Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng trên thế giới để thúc giục Trung Quốc tham gia vào cuộc điều tra quốc tế và cung cấp tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 27/5 đã đáp lại tuyên bố của ông Biden, nói rằng, “Kết luận về lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc cực kỳ khó xảy ra đã được ghi rõ trong báo cáo nghiên cứu của Nhóm điều tra chung của WHO. Đó là kết luận có thẩm quyền, chính thức và khoa học".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kiên quyết phản đối cuộc điều tra lại về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kiên quyết phản đối cuộc điều tra lại về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Triệu Lập Kiên nói: “Tuy nhiên, một số người ở Mỹ hoàn toàn phớt lờ sự thật và khoa học, hoàn toàn không quan tâm đến nhiều nghi ngờ về khả năng truy xuất nguồn gốc của chính họ và những sự thật đau đớn về thất bại của họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, còn liên tục kêu gọi tái phục hồi điều tra Trung Quốc . Điều này cho thấy Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến sự thật. Họ cũng không quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc khoa học nghiêm túc, mà muốn sử dụng dịch bệnh để nói xấu và thao túng chính trị, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm".

Ông Triệu Lập Kiên cũng yêu cầu Mỹ "ngay lập tức hợp tác với WHO trong nghiên cứu truy xuất nguồn gốc và tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch, dựa trên bằng chứng đối với nước Mỹ".

Theo một bài báo bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Tư (9/6), theo “Nghiên cứu truy xuất nguồn gốc toàn cầu SARS-CoV-2 do Tổ chức Y tế Thế giới triệu tập: bản tiếng Trung Quốc Báo cáo nghiên cứu chung Trung Quốc – WHO” vừa được Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc công bố hôm Thứ Hai (7/6), ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), Giám đốc Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán thuộc Viện virus học Vũ Hán cho biết, Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán hàng năm lưu mẫu huyết thanh của các nhân viên phòng thí nghiệm và chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào bất thường về bệnh tật. Tất cả nhân viên xét nghiệm đều âm tính với kháng thể SARS-CoV-2. Về các trường hợp dương tính với cúm từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2019, ông cho biết đây là nghiên cứu có tính hồi cứu do viện phối hợp với Bệnh viện Hiệp Hòa Đại học Y khoa Vũ Hán thực hiện. Tổng số 1.001 mẫu bệnh nhân được lấy từ bệnh viện, không có mẫu nào trong tháng 12/2019 phát hiện dương tính; có 4 trường hợp nhiễm hỗn hợp cúm và SARS-CoV-2 được tìm thấy trong 700 mẫu vào tháng 1/2020. Báo cáo nói rằng 4 trường hợp nhiễm bệnh hỗn hợp này đều không phải là nhân viên của Viện Virus Vũ Hán.

Viện Virus Vũ Hán - nơi Mỹ và một số nước nghi là nơi làm rò rỉ SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Viện Virus Vũ Hán - nơi Mỹ và một số nước nghi là nơi làm rò rỉ SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Viên Chí Minh trước đó đã trả lời về các vấn đề như truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2 trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa xã. Ông nói rằng tuyên bố rằng SARS-CoV-2 được Viện Virus Vũ Hán "sản xuất" hoặc "bị rò rỉ" là bịa đặt và hoàn toàn không phù hợp với sự đồng thuận của cộng đồng học thuật, không phù hợp kiến thức chung về virus học và càng không phù hợp sự thật khách quan.

Một số nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế cho rằng cuộc nghiên cứu chung về dịch bệnh quái ác COVID-19 giữa Trung Quốc và WHO đã không đưa ra câu trả lời đáng tin cậy về việc đại dịch bắt đầu như thế nào, vì vậy cần phải tiến hành cuộc điều tra nghiêm ngặt hơn, bất kể Bắc Kinh có tham gia hay không.

(Theo VOAchinese)