Theo CNBC, hôm 6/11, WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở New Jersey, Mỹ. Cùng ngày, cổ phiếu WeWork đã bị ngừng giao dịch.
Công ty cung cấp không gian làm việc linh hoạt này cho biết đã ký kết thỏa thuận với đa số các chủ nợ và dự kiến sẽ cắt giảm các hợp đồng thuê ‘không hoạt động’.
Theo WeWork, việc phá sản chỉ giới hạn tại các địa điểm hoạt động ở Mỹ và Canada. Công ty này đã báo cáo các khoản nợ từ 10-50 tỉ USD.
“Tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của các bên liên quan về mặt tài chính khi tiến hành tái cơ cấu vốn và đẩy nhanh quá trình này thông qua Thỏa thuận hỗ trợ tái cấu trúc” - Giám đốc điều hành WeWork David Tolley cho biết trong thông cáo báo chí.
Từng được định giá lên tới 47 tỉ USD vào năm 2019, WeWork nổi lên như một hiện tượng của giới đầu tư mạo hiểm.
Công ty khởi nghiệp (startup) do SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son hậu thuẫn đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi kế hoạch IPO vào năm 2019 thất bại.
Tới năm 2021, WeWork chính thức lên sàn chứng khoán thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Kể từ đó, cổ phiếu của công ty đã mất tới 98% giá trị.
Giữa tháng 8/2023, công ty đã công bố chia tách cổ phiếu ngược theo tỷ lệ 1: 40 để thị giá cổ phiếu của họ trở lại trên 1 USD, nhằm duy trì niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Tính đến ngày 30/6, công ty cho thuê hàng triệu m2 không gian văn phòng tại 777 địa điểm ở 39 quốc gia trên khắp thế giới với công suất thuê gần bằng mức năm 2019. Tuy nhiên, theo Bloomberg, WeWork vẫn chưa thể có lãi./.
Nguồn tham khảo: CNBC, Bloomberg