Hành trình tỉ phú của ông chủ Haidilao Trương Dũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Con đường dựng nghiệp của ông chủ Haidilao bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Thuở mới dựng nghiệp, ông cũng chẳng biết cách nấu một nồi lẩu Tứ Xuyên có vị cay nồng truyền thống.

Truong dung 5.png
Nhà sáng lập Haidilao Trương Dũng (Ảnh: Forbes)

Nhắc đến lẩu Trung Quốc thì khó có thể bỏ qua chuỗi nhà hàng Haidilao. Ông chủ của chuỗi nhà hàng này là Zhang Yong (Trương Dũng). Theo Forbes, ông Dũng hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá hơn 5,9 tỉ USD.

Phần lớn tài sản của ông và vợ - bà Shu Ping (Thư Bình), được hình thành từ số cổ phần chi phối của họ tại Haidilao International Holding – đơn vị vận hành chuỗi nhà hàng Haidilao.

Chuỗi nhà hàng lẩu Tứ Xuyên này hiện có 1.500 chi nhánh trên khắp thế giới, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Haidilao cũng có mặt ở Việt Nam với khoảng 12 nhà hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang.

Ông Trương Dũng sinh năm 1971, tại Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Con đường dựng nghiệp của ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng và trải qua không ít gian truân.

Sinh ra trong một gia đình chẳng mấy dư dả, cộng với thành tích học tập không xuất sắc nên sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường dạy nghề, ông Dũng chọn làm công nhân hàn với mức lương chỉ 93 NDT/tháng (khoảng 330.000 đồng/tháng, quy đổi theo tỉ giá hiện hành).

Sống ở vùng quê và thường xuyên không có tiền, mãi đến năm 19 tuổi, Trương Dũng mới có lần đầu tiên được trải nghiệm ẩm thực ở nhà hàng một cách đúng nghĩa. Trải nghiệm này đã gián tiếp thay đổi cả cuộc đời ông.

Vị doanh nhân này từng chia sẻ với Bloomberg rằng, lần đầu tiên đi ăn ở nhà hàng khiến ông cảm thấy bất ngờ, bởi trải nghiệm không hề tuyệt vời như ông vẫn tưởng, khi món lẩu ở dưới mức trung bình và nhân viên phục vụ rất thô lỗ.

Haidilao 1.png
Hành trình tỉ phú của ông chủ Haidilao Trương Dũng (Ảnh: Getty Images)

Hành trình tỉ phú

Năm 1994, sau khi tranh cãi với cấp trên về yêu cầu xin trợ cấp căn hộ cho gia đình, ông Dũng quyết định nghỉ việc, rồi mở một quán ăn để kinh doanh.

Để mở được quán ăn nhỏ này, ông đã phải vay 10.000 NDT (1.500 USD) từ bạn bè. Tên nhà hàng được đặt là Haidilao, theo tiếng Trung, có nghĩa là "câu cá dưới đáy đại dương".

Việc Trương Dũng mở quán lẩu khi đó bị nhiều người đánh giá là liều lĩnh. Bởi, cả hai vợ chồng họ Trương đều không giỏi nấu ăn, thậm chí không biết cách nấu một nồi lẩu Tứ Xuyên có vị cay nồng truyền thống. Nhờ kiên trì và nỗ lực, họ vẫn thành công chế tạo ra được công thức nồi lẩu Haidilao mê hoặc thực khách.

Không dựa vào những đầu bếp dày dạn kinh nghiệm, Haidilao khẳng định sự nổi tiếng bằng dịch vụ đặc biệt và giải trí sáng tạo để thu hút khách hàng. Đây cũng chính là tầm nhìn quan trọng giúp vị doanh nhân họ Trương biến một quán lẩu nhỏ ở Tứ Xuyên thành chuỗi nhà hàng có quy mô quốc tế.

Thực khách sẽ được sơn móng tay, massage vai hay chơi các trò chơi miễn phí trong khu chờ. Và nếu thực khách gọi món mì, nhân viên nhà hàng có thể biểu diễn một màn “múa mì” giải trí, trong đó những người phục vụ nhảy múa với những sợi mì dài giống như những vận động viên thể dục nhịp nhàng đang xoay một dải ruy băng đầy tinh bột.

Từng được mệnh danh là ‘vua lẩu’, ông Dũng tin vào tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng vượt trội. “Tôi đến từ nông thôn, nơi người dân tin rằng nếu bạn lấy tiền từ người khác và không mang lại lợi ích cho họ thì bạn là kẻ nói dối”, ông Dũng từng chia sẻ với tờ The Wall Street Journal (WSJ) như vậy vào năm 2013.

Đến năm 2018, Haidilao chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được gần 1 tỉ USD. Thương vụ này giúp nâng giá trị vốn hóa của công ty lên mức 12 tỉ USD.

Trong nửa đầu năm nay, Haidilao báo lãi 2,2 tỉ NDT (khoảng 7.550 tỉ đồng), tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg, CNBC, Forbes