WeChat đã ảnh hưởng đến thế giới trực tuyến của Trung Quốc như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – WeChat là nhân tố chính đưa công ty mẹ Tencent trở thành công ty lớn nhất ở châu Á, nâng vốn hóa thị trường của công ty này lên 800 tỉ USD, lớn thứ sáu toàn cầu.
Một nghiên cứu của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy người dùng WeChat dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên ứng dụng. Ảnh: SCMP
Một nghiên cứu của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy người dùng WeChat dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên ứng dụng. Ảnh: SCMP

Người Trung Quốc “nghiện” WeChat

Chen Channing, 30 tuổi - một chuyên gia pháp lý đang làm việc tại Thâm Quyến, cho biết WeChat là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của anh.

Anh Chen chào buổi sáng với việc kiểm tra tin nhắn trên WeChat. Sau đó, anh sử dụng chức năng thanh toán trên ứng dụng để đi tàu điện ngầm đi làm. Trên quãng đường đi làm, anh lại lướt WeChat để theo dõi tin tức. Tại văn phòng làm việc, Chen tiếp tục sử dụng phiên bản ứng dụng dành cho máy tính để bàn.

Trong thời gian rảnh rỗi, anh Chen chia sẻ hình ảnh và video với bạn bè bằng phiên bản dành cho điện thoại di động của WeChat. Ngay cả các bữa ăn của anh cũng được đặt và thanh toán trên ứng dụng này.

“WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc của tôi. Tôi không thể sống thiếu nó” - anh Chen nói.

Một biểu tượng được dán bên ngoài một cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc nhằm thông báo cho khách hàng biết cửa hàng này chấp nhận thanh toán qua WeChat. Ảnh: SCMP

Một biểu tượng được dán bên ngoài một cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc nhằm thông báo cho khách hàng biết cửa hàng này chấp nhận thanh toán qua WeChat. Ảnh: SCMP

Đây chỉ là một câu chuyện tương tự đối với rất nhiều người trong số hơn 1 tỉ người đang sử dụng siêu ứng dụng này hàng ngày mà chủ yếu là người Trung Quốc đại lục.

Một nghiên cứu của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy người dùng WeChat dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên ứng dụng. WeChat cung cấp một cách hiệu quả các chức năng tương đương các nền tảng WhatsApp, Instagram, Google, Facebook và PayPal.

Theo QuestMobile, WeChat cũng chiếm 1/5, tương đương 21,5% tổng thời gian của người dùng trên internet tính đến tháng 9/2020.

Các con số đã chứng minh không quá khi nói rằng WeChat đã thay đổi sâu sắc cách người Trung Quốc tương tác với nhau và với thế giới trực tuyến.

Thành công của siêu ứng dụng vừa tròn 10 tuổi vào tuần này cũng đã giúp Tencent trở thành công ty lớn nhất châu Á, nâng mức vốn hóa thị trường của nó lên 800 tỉ USD, lớn thứ sáu toàn cầu.

“WeChat là sản phẩm internet thành công nhất ở Trung Quốc trong thập kỷ qua” - Zhang Dingding, một nhà phân tích ngành công nghiệp internet tại Sootoo Institute cho biết.

“Giá trị của WeChat đã vượt ra ngoài những con số. Nó đã giúp chúng tôi kết nối với nhau và cung cấp một loạt dịch vụ thay đổi mọi khía cạnh của xã hội” - ông Zhang nói thêm.

WeChat ra đời vào đúng thời điểm điện thoại thông minh bắt đầu trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

WeChat ra đời vào đúng thời điểm điện thoại thông minh bắt đầu trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Nhiều yếu tố đã góp phần làm nên sự thành công của WeChat, trong đó có "tường lửa" Great Firewall của Trung Quốc, ngăn chặn người dân nước này truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài như WhatsApp, Instagram, Google và Facebook. Bên cạnh đó, WeChat còn ra đời vào đúng thời điểm bùng nổ việc sử dụng điện thoại thông minh ở Trung Quốc.

Tiếp theo là thiết kế ban đầu vừa dễ sử dụng vừa thu hút của ứng dụng, được thiết kế bởi kỹ sư Allen Zhang Xiaolong, người từng là một trong những giám đốc điều hành được trả lương cao nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2016.

Thách thức trước mắt

Tuy nhiên, có những khó khăn trước mắt mà WeChat đã và đang có nguy cơ phải đối mặt.

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã cấm các công ty nước này giao dịch với WeChat. Ảnh: SCMP

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã cấm các công ty nước này giao dịch với WeChat. Ảnh: SCMP

Việc kiểm soát nội dung trên ứng dụng của Tencent đang được đẩy mạnh ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Các tài khoản bị coi là quảng bá nội dung “không phù hợp hoặc bất hợp pháp”, bao gồm bạo lực, khiêu dâm và cờ bạc cũng như các phát ngôn chính trị đã nhanh chóng bị cấm cửa.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với WeChat vì lý do lo ngại an ninh quốc gia.

WeChat cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ mới nổi trong nước như ByteDance - cha đẻ ứng dụng video ngắn nổi tiếng Douyin với hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày tính đến tháng 8/2020.

Theo báo cáo của QuestMobile, vào tháng 10/2020, người Trung Quốc đã dành nhiều hơn 6 tiếng mỗi tháng trên smartphone so với một năm về trước. Tuy nhiên, thời gian này chủ yếu dành cho các ứng dụng video như Douyin (ByteDance) và Kuaishou (cũng do Tencent hậu thuẫn), không phải WeChat.

Trong nỗ lực chạy đua với các ứng dụng video ngắn, WeChat đã cho ra đời phiên bản Channels vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 6/2020, tính năng này đã đạt 200 triệu người dùng, Zhang - “cha đẻ” của WeChat tiết lộ. Tuy nhiên, công ty đã không cập nhật bất kỳ dữ liệu nào về số lượng người dùng kể từ đó.

“Channels vẫn đang phát triển mạnh mẽ nhưng phần lớn là do nó nằm trong hệ sinh thái của WeChat. Nó có vẻ không hấp dẫn và gây nghiện như Douyin” - Mark Tanner, CEO của công ty tư vấn China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Tencent cũng đang phải đối mặt với chỉ trích vì các phương thức kinh doanh bị cho là độc quyền của mình. Xie Xin, Phó Chủ tịch ByteDance phụ trách ứng dụng truyền thông Feishu, tố cáo WeChat chặn dịch vụ. Tuy nhiên, Tencent khẳng định hành động công bằng trong việc chặn liên kết ngoài vi phạm quy định, bao gồm cả sản phẩm của Tencent.

Allen Zhang là "cha đẻ" của WeChat. Ảnh: SCMP
Allen Zhang là "cha đẻ" của WeChat. Ảnh: SCMP

WeChat ra đời từ một dự án của Tencent vào tháng 1/2011. Ông Allen Zhang là người đứng đầu nhóm phát triển phiên bản WeChat đầu tiên. Phiên bản này chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản và hình ảnh. Đến tháng 5/2011, ứng dụng đã được cập nhật thêm tính năng nhắn thoại.

Sau một thập kỷ tối ưu hóa, WeChat vẫn đang được phát triển. Tencent đã xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ cho WeChat, bao gồm những các chương trình mini. Về cơ bản, chúng là ứng dụng nhỏ hơn 10 megabytes, chạy ngay trực tiếp trên giao diện của ứng dụng chính. Theo số liệu được công bố vào hôm 19/1, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của các ứng dụng WeChat mini đã đạt mốc 400 triệu.

Bất chấp sự phổ biến của WeChat đối với người Trung Quốc toàn thế giới, Tencent vẫn chưa thực sự nghiêm túc với kế hoạch kiếm tiền từ ứng dụng. Trong tổng doanh thu của Tencent, 56% đến từ “dịch vụ giá trị gia tăng” – liên quan tới game – còn 27% đến từ fintech, 17% từ quảng cáo trực tuyến.

“Cơ hội lớn nhất của WeChat là cơ sở người dùng và hệ sinh thái đã được thiết lập. Nó có thể tiếp tục củng cố nếu chuẩn bị tích hợp nhiều trí tuệ nhân tạo vào nền tảng hơn, xây dựng giao diện người dùng trực quan hơn. Việc khai thác người dùng nông thôn cũng tạo thêm cơ hội tăng lượng người dùng cho WeChat” - ông Tanner nói.

Dù sao đi nữa, một điều chắc chắn là WeChat đối mặt với tương lai thách thức hơn với quy định siết chặt hơn, cạnh tranh gay gắt hơn và thay đổi trong hành vi người dùng. 10 năm tiếp theo của siêu ứng dụng được dự đoán sẽ vô cùng khác biệt so với ban đầu.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP)