World Bank (WB) vừa công bố Báo cáo điểm lại tháng 8/2021 với tiêu đề “Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai”, trong đó nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Báo cáo cũng đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2021 của Việt Nam ở mức 4,8%, giảm 2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12/2020.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4.
Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Các chỉ số tần suất cao, như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6/2021 kể từ tháng 5/2020.
WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, với các tỉnh phía nam, Tp. HCM và sau đó là Hà Nội phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ cuối tháng 7 để dập dịch.
Về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã giảm đi trong nửa đầu năm. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, cao hơn so với mức 10 đến 12% trong năm 2020.
WB dự báo rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7% từ năm 2022 trở đi.
Đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp mức tăng trưởng 6,8% được dự báo trước đó trong kỳ Báo cáo điểm lại tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây.
WB cho biết, dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý 4./.