'Vua hàng hiệu' LVMH mất vị trí giàu thứ 2 thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bernard Arnault đã mất vị trí người giàu thứ hai thế giới khi đợt bán tháo cổ phiếu hạng sang khiến giá trị tài sản ròng của ông xuống thấp hơn so với Jeff Bezos của Amazon.

Bernard Arnault rớt hạng trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)
Bernard Arnault rớt hạng trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Bernard Arnault là người sáng lập kiêm CEO của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu của Pháp, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton và Moet & Chandon. Tài sản của ông đã giảm 6,8 tỉ USD kể từ hôm thứ Tư, khi công ty báo cáo mức tăng trưởng doanh thu yếu hơn.

Arnault hiện có tổng tài sản trị giá 155,1 tỉ USD, chỉ thấp hơn 156,3 tỉ USD của Jeff Bezos, theo Bloomberg Billionaires Index.

Arnault từng trở thành người giàu nhất hành tinh vào cuối năm 2022, vượt qua Elon Musk của Tesla, trong thời điểm cổ phiếu công nghệ chật vật trước lạm phát cao. Tuy nhiên, ông lại tụt hạng xuống dưới Musk vào tháng 5 nhưng vẫn duy trì vị trí thứ hai kể từ tháng 10/2022.

Khối tài sản của Arnault bị sụt giảm đã phản ánh doanh số bán chậm chạp của hàng hóa xa xỉ trong năm nay, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ - vốn đang mệt mỏi vì lạm phát – giảm và đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc. Cổ phiếu LVMH đã giảm khoảng 10% tại Paris trong 3 ngày sau báo cáo kết quả kinh doanh, trước khi phục hồi vào thứ Hai và giảm 1,9%.

Ngược lại, Bezos và Musk được hưởng lợi từ sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ. Musk đã bổ sung thêm 96,8 tỉ USD vào khối tài sản của mình trong năm nay khi cổ phiếu Tesla tăng 106%. Tài sản của Bezos cũng tăng 49,3 tỉ USD, cùng với mức tăng 58% của cổ phiếu Amazon.

1.png
Bernard Arnault bị Jeff Bezos vượt mặt (Ảnh: Bloomberg)

Nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ bị bán tháo

Những người mua sắm giàu có từng giúp LVMH trở thành công ty có giá trị nhất châu Âu và đưa người sáng lập công ty này trở thành người giàu nhất thế giới mới đây, nhưng họ đã cho thấy rõ dấu hiệu của sự mệt mỏi.

Số liệu bán hàng đáng thất vọng từ các thương hiệu như Louis Vuitton và Christian Dior của Arnault đã khiến ngành công nghiệp xa xỉ vốn đã quen với mức tăng trưởng vượt bậc giờ phải hứng chịu tác động tiêu cực.

LVMH đã chứng kiến ​​sự sụt giảm cổ phiếu trong ngày lớn nhất trong gần 2 năm, vào ngày 11/10 vừa qua, với mức giảm tới 8,5% và nhanh chóng xóa sạch mức tăng trước đó trong năm nay. Các đối thủ nhỏ hơn như Richemont, chủ sở hữu Gucci Kering SA và Hermes International, cũng bị liên đới.

Dấu hiệu cho thấy doanh số bán hàng hóa xa xỉ suy yếu không phải là mới. Ngành công nghiệp này đã mất đi sức hấp dẫn khi sự phục hồi của Trung Quốc chững lại và nhu cầu từ người tiêu dùng Mỹ hạ nhiệt. Số liệu bán hàng không mấy khả quan của LVMH đã đẩy nhanh đợt bán tháo khiến giá trị thị trường của 7 công ty xa xỉ lớn nhất châu Âu mất khoảng 245 tỉ USD kể từ tháng Tư năm nay.

123.jpg
Đợt bán tháo cổ phiếu khiến nhóm công ty hàng xa xỉ thiệt hại 245 tỉ USD giá trị thị trường (Ảnh: Bloomberg)

“Tôi từng nói rằng tôi thích LVMH vì họ thường làm tốt hơn mong đợi, nhưng đây là lần đầu tiên sau một thời gian họ khiến chúng tôi thất vọng”, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao Bruno Vacossin đến từ Palatine Asset Management cho biết. “Nhìn chung, điều đó cho thấy lĩnh vực này không tránh khỏi tình trạng suy thoái”.

LVMH đã nhường lại vị trí công ty có giá trị lớn nhất châu Âu cho nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk vào tháng trước, và người sáng lập kiêm CEO Bernard Arnault, hồi đầu năm nay đã rơi xuống vị trí thứ hai trên Bloomberg Billionaires Index, sau Elon Musk.

Doanh số ngành hàng kinh doanh tốt nhất của LVMH, thời trang và đồ da, đã tăng 9% trong quý 3. Mặc dù nhu cầu hầu như không sụt giảm nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp hơn ước tính của các nhà phân tích và chỉ bằng một nửa tốc độ của 6 tháng đầu năm.

Kết quả trên đã dội 'một gáo nước lạnh' vào kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là ở Trung Quốc, và cho thấy điểm yếu này đã bộc phát. Tăng trưởng doanh thu ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã giảm xuống 11% từ mức 34% trong quý trước. Tăng trưởng tại châu Âu giảm hơn một nửa.

Doanh số bán hàng tại bộ phận rượu vang và rượu mạnh giảm 14%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, khiến cổ phiếu của nhà sản xuất rượu cognac Remy Cointreau nhanh chóng lao dốc. LVMH sở hữu các nhãn hiệu Champagne như Dom Perignon và Hennessy Cognac, vốn đã chứng kiến ​​nhu cầu tại Mỹ giảm trong bối cảnh người tiêu dùng phản ứng trước tình hình tăng giá./.

Theo Bloomberg