Vụ Tân Hoàng Minh: Suy sụp vì áp lực nợ nần, bị hại đòi đền bù tiền lãi hơn 200 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại tòa, bà T. cho rằng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây cho bà thiệt hại cả về kinh tế và sức khoẻ, tinh thần suy sụp, lo lắng vì áp lực đòi nợ.

Ngày 25/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và bà P.T.T. ở Thanh Hóa.

Hiện, bị hại chỉ có bà T. kháng cáo đòi số tiền lãi hơn 200 triệu đồng và tăng hình phạt đối với ông Đỗ Anh Dũng.

Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình. Ông Dũng cho rằng, tuổi đã cao, nếu thi hành mức án 8 năm như tòa cấp sơ thẩm tuyên ông không còn cơ hội để trả nợ. Hiện tại Tân Hoàng Minh đang nợ ngân hàng, đối tác, các nhà đầu tư. Do đó, ông Dũng mong HĐXX xem xét để ông sớm được ra để trả nợ.

Anh 1.jpeg
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa.

"Các con tôi đã lớn nhưng chưa trưởng thành không thể gánh vác giúp tôi trả nợ được", bị cáo Dũng nói và cho biết, Tân Hoàng Minh còn nhiều dự án, có những dự án đang bỏ hoang nên rất cần ông về "gánh vác".

Trong khi đó, bà P.T.T. (bị hại trong vụ án) trình bày, vì tin tưởng Tân Hoàng Minh nên vợ chồng bà đã vay mượn bỏ ra 2 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu của công ty này với thời hạn 1 tháng. Tuy nhiên, sau khi bà mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh được 5 ngày thì ông Đỗ Anh Dũng bị bắt, số trái phiếu bà mua không còn giá trị.

Theo bà T. việc ông Dũng bị bắt, vợ chồng bà không lấy lại được tiền, gia đình bà bị đòi nợ liên tục.

“Trong lúc túng quẫn, tôi đã vay nợ 2 tỷ đồng trong 6 tháng. Nhưng vì Tân Hoàng Minh không trả nên tôi cũng không hoàn trả được. Người cho tôi vay đã gây áp lực tới gia đình khiến tôi không đi làm được.

Khi tôi không trả được nợ đó họ đã khởi kiện ra toà và tôi đang chịu thi hành án tại Thanh Hoá", bà T. nói và cho biết, ngoài nợ gốc phải trả, hiện chị còn phải trả lãi với số tiền 2 tỷ đồng hàng trăm triệu đồng.

"Thậm chí tôi không đi làm được phải điều trị ở bệnh viện, chính vì vậy tôi kháng cáo", bà T. trình bày.

Bà T. cho rằng, Tân Hoàng Minh gây thiệt hại lớn cho bà cả về kinh tế và sức khoẻ, về mặt tâm lý tinh thần suy sụp, lo lắng vì áp lực đòi nợ. Khi chào mời mua trái phiếu, Tân Hoàng Minh đưa ra lợi ích lớn, cam kết trả đúng hạn. Người dân mua trái phiếu online có thể nhận tiền về bất cứ lúc nào.

Khi bà T. mới có ý định mua trái phiếu, bên phía Tân Hoàng Minh đã xuống tận nhà để ký hợp đồng, song hợp đồng không có dấu đỏ. Bà T. thắc mắc được giải thích hợp đồng phải gửi ra Hà Nội mới có dấu. Sau này, ông Dũng bị bắt bà mới có giấy chứng nhận mua trái phiếu.

Tại phiên tòa hôm nay, bà T. kháng cáo đề nghị tăng hình phạt cho ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời yêu cầu được bồi thường tiền lãi khi mua trái phiếu là hơn 200 triệu đồng.

Về phần ông Dũng khi được hỏi về kháng cáo của bị hại trên, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết, bản thân tôn trọng quyết định của toà.

Trước đó, hồi tháng 4/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng án 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; con trai ông, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) lĩnh 36 tháng tù.

Các bị cáo là thuộc cấp của ông Dũng tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị phạt từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam.

Bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc) cùng 3 người khác đều là nhân viên, lãnh đạo công ty kiểm toán, bị tòa phạt từ 18 - 24 tháng tù nhưng đều hưởng án treo.

Về dân sự, ông Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng cho nhà đầu tư.

Riêng vấn đề "tính lãi suất" của bị hại, HĐXX sơ thẩm cho rằng trong vụ án này không đề cập giải quyết, nhà đầu tư có nhu cầu đòi hỏi mức lãi sẽ được giải quyết ở vụ án dân sự khác.

Sau án sơ thẩm, duy nhất ông Đỗ Anh Dũng có đơn kháng cáo xin giảm án phạt.

Theo bản án sơ thẩm, vào tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh bị dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ rồi tăng thành gần 20.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2022.

Để trả nợ và chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

Từ chỉ đạo của cha, Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ông Dũng và đồng phạm sử dụng hành vi gian dối, dùng pháp nhân 3 công ty con gồm: Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.

Sau khi mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng. Từ đó, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng số tiền gần 14.000 tỷ đồng.

Huy động tiền xong, các bị cáo tại Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.