Nhiều người đến tòa lấy bản án, bị hại vụ Tân Hoàng Minh cần làm gì để được bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải bồi thường hơn 8.600 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Vậy, bị hại cần làm gì để nhận lại được số tiền này?

Anh 2.jpeg
Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Sau khi phán quyết của tòa sơ thẩm về vụ án thao túng trái phiếu xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh có hiệu lực, những ngày gần đây, rất đông bị hại đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội xin cấp bản án và phụ lục đính kèm để đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội giải quyết số tiền bồi thường.

Theo quy trình, bị hại đến nhận bản án ở Phòng báo chí (cạnh phòng 116) trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Sau đó, bị hại sẽ làm đơn gửi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để được nhận lại số tiền bồi thường theo phán quyết có hiệu lực của tòa án.

Là một trong những bị hại đến tòa án để lấy bản án, ông H. cho biết trái chủ cần đem theo giấy triệu tập của Tòa án nhân dân TP Hà Nội và căn cước công dân. Khi làm việc bị hại sẽ đọc số thứ tự để cán bộ tòa đưa phụ lục đính kèm và bản án.

“Tôi đến lấy bản án rất nhanh, không phải chờ đợi”, ông H nói và cho biết đã chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn yêu cầu thi hành án; bản án và phụ lục đính kèm; căn cước công dân bản gốc và photo; hợp đồng mua bán trái phiếu bản gốc và photo.

Anh 1.jpeg
Bị hại đến nhận bản án tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Đến Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội sáng 12/6 để nộp hồ sơ mong nhận lại số tiền bồi thường, bị hại N.T.L. (ở Hà Nội) cho biết sau khi lấy số thứ tự, chị chờ đến chiều mới nộp được hồ sơ.

Còn bị hại T.T.T.H. (ở Quảng Ninh) cho biết đã nộp đơn đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội từ ngày 20/5 (đợt đầu tiếp nhận hồ sơ vụ án) nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thi hành án.

Theo quy định, khi có quyết định thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, sẽ chuyển hồ sơ sang Kho bạc Nhà nước, sau đó bị hại nhận lại tiền qua tài khoản mà không cần phải làm thêm thủ tục khác.

“Tôi chưa nhận được quyết định thi hành án nên chưa nhận được tiền”, chị H nói và mong muốn Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội có lộ trình, thông báo rõ thời gian nhận quyết định thi hành án để các bị hại yên tâm, không có suy nghĩ tiêu cực.

Anh 1 (2).jpg
Giấy xác nhận giao dịch trái phiếu và bản án của bị hại.

Về tiến độ giải quyết bồi thường, đại diện Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, đến nay, còn hơn 1.000 bị hại chưa đến nhận bản án vụ và phụ lục đính kèm.

Còn lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho hay, đơn vị đang tiếp nhận hồ sơ của các bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh. Số lượng bị hại trong vụ án này quá đông khiến việc giải quyết khó có thể nhanh chóng.

Mỗi ngày, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ của bị hại. Dự kiến từ 20/5 đến hết ngày 28/6, cơ quan này sẽ tiếp nhận hồ sơ của hơn 6.600 bị hại trong vụ án.

Trả lời VietTimes về thời gian nhận được tiền bồi thường sau khi bị hại nộp hồ sơ, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho hay: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để người dân lấy lại được tiền sớm nhất”.

Vị này cho biết thêm, đơn vị sẽ làm cuốn chiếu, đợt nào xong sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước trả tiền cho người dân.

z5532756606301_49e7fc77d20ade334cd581a374fc2578.jpg
Cục thi hành án dân sự Hà Nội căng bạt, chuẩn bị ghế để tiếp đón bị hại đến làm thủ tục nhận lại tiền bồi thường (ảnh chụp chiều 12/6).

Hơn 2 tháng trước, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án thao túng trái phiếu xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này, bị tuyên phạt 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị cáo khác, trong đó có con trai ông Dũng, bị tuyên án từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 3 năm tù giam.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc ông Dũng bồi thường toàn bộ số tiền hơn 8.600 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư (bị hại), thông qua việc phát hành rồi bán trái phiếu không đúng quy định.

Hồ sơ vụ án cho thấy, cơ quan tố tụng hiện đang tạm giữ hơn 8.600 tỷ đồng, gồm gần 3.000 tỷ thu hồi trong quá trình điều tra và hơn 5.600 tỷ do ông Dũng cùng gia đình tự nguyện nộp. Số tiền này đủ để khắc phục hết hậu quả.