Vụ tai nạn máy bay ở Trung Quốc: tìm thấy động cơ ở độ sâu 20 mét dưới lòng đất!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công tác tìm kiếm cứu hộ vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 của Hãng hàng không China Eastern Airlines đã có một số tiến triển với việc tìm thấy một số mảnh vụn thi thể nạn nhân và một phần động cơ sâu dưới đất.
Một phần động cơ máy bay được tìm thấy ở độ sâu 20 mét dưới mặt đất (Ảnh: Đông Phương).
Một phần động cơ máy bay được tìm thấy ở độ sâu 20 mét dưới mặt đất (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) chiều 24/3, Sở chỉ huy ứng cứu khẩn cấp quốc gia về tai nạn chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines đã tổ chức cuộc họp báo lần thứ tư tại thành phố Ngô Châu (Wuzhou), Quảng Tây vào chiều nay (24/3), thông báo đã cơ bản xác định được điểm va chạm chính của chiếc máy bay chở khách gặp nạn. Ngoài ra, hộp đen của chiếc máy bay được trục vớt hôm trước đang được giải mã và phân tích, nhưng không loại trừ khả năng bộ nhớ của chiếc hộp đen bị hư hỏng.

Theo thông báo tại cuộc họp, tính đến 15h30 phút chiều nay, đã tìm thấy tổng số 21 di vật của các nạn nhân, 183 mảnh vỡ máy bay và một số mảnh vụn thi thể của các nạn nhân. Các mảnh vỡ máy bay chính được thu hồi cho đến nay bao gồm cánh động cơ và mảnh vỡ tuabin, mảnh vỡ trục động cơ, mảnh vỡ đuôi trái và phải, ổ lái tự động aileron và mảnh vỡ đầu cánh, dây thoát hiểm của phi hành đoàn trong buồng lái, mảnh vụn Sổ tay hướng dẫn của phi hành đoàn và một số giấy tờ của các nhân viên phi hành đoàn.

Công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành rất khẩn trương (Ảnh: Đông Phương).

Công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành rất khẩn trương (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, cho đến nay hầu hết các mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy đều tập trung ở khu vực lõi với bán kính khoảng 30 mét xung quanh điểm va chạm chính và dưới độ sâu khoảng 20 mét tính từ mặt đất; điều này đã xác nhận giả thuyết máy bay lao xuống theo thẳng đứng với tốc độ rất nhanh. Các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cũng tìm thấy một mảnh vỡ nghi là mảnh xác máy bay dài 1,3m, rộng 10cm trong một khu đất nông nghiệp ở thôn Tứ Vượng (Siwang), thị trấn Đằng Châu (Tengzhou Town), huyện Đằng (Teng County), thành phố Ngô Châu, cách điểm máy bay tiếp đất gần 10km.

Do mưa liên tục trong khu vực huyện Đằng, các nhà chức trách từ hôm thứ Tư đã phải nhiều lần huy động máy bơm chữa cháy để loại bỏ nước tích tụ trong khu vực lõi của vụ tai nạn. Ngoài ra, tại vị trí tìm kiếm cứu nạn đã xảy ra các điểm sạt lở nhỏ, đường lên núi nhỏ hẹp, trơn trượt. Phía đông vùng lõi chủ yếu là rừng nguyên sinh, núi dốc, hiện lực lượng cứu hộ phải nhờ đến các dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng để mở đường ven các tảng đá, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tìm kiếm.

Hoạt động tìm kiếm tại hiện trường (Nguồn: CCTV).

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng về việc vụ tai nạn xảy ra có thể do hãng hàng không China Eastern Airlines cắt giảm chi phí bảo dưỡng máy bay; tại cuộc họp báo Ban Tuyên truyền của Hãng hàng không China Eastern Airlines nhấn mạnh, chi phí bảo dưỡng của hãng đã gia tăng trong thời gian có dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, liên quan đến tin đồn trên mạng rằng China Eastern Airlines đã tự ý sửa chữa các bộ phận biến tốc của máy bay dẫn đến vụ tai nạn hàng không, Ban Tuyên truyền của China Eastern Airlines nhấn mạnh rằng việc duy tu bộ phận này không liên quan đến chiếc máy bay gặp nạn và chỉ trích thông tin sai lệch trên Internet.

Theo tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 24/3, tại hiện trường nơi máy bay MU5735 gặp nạn, các đội tìm kiếm cứu nạn đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm và tiến hành tìm kiếm kiểu cuốn chiếu theo nhóm. Tại hiện trường vùng lõi, lực lượng cứu hộ đã kéo một cấu kiện lớn khỏi hố nước, được cho là một phần động cơ của máy bay.

Các mảnh vỡ máy bay tìm thấy được rửa sạch và phân loại (Ảnh: CCTV).

Các mảnh vỡ máy bay tìm thấy được rửa sạch và phân loại (Ảnh: CCTV).

Sáng ngày 24, các phóng viên CCTV đã vào khu vực lõi tìm kiếm cứu nạn và thấy các mảnh xác máy bay đã được dọn sạch sẽ được phân loại và xếp đặt, các vật chứng quan trọng được đánh dấu đặc biệt, sau đó sẽ được các chuyên gia tiến hành đánh giá.

Tin cho biết, do không thu được tín hiệu định vị của chiếc hộp đen thứ hai nên các nhân viên tìm kiếm cứu nạn chủ yếu tìm kiếm từng tấc đất một bằng mắt thường.

Hiện tại, thiết bị bay không người lái tại chỗ đã sẵn sàng cất cánh, sẽ khảo sát toàn bộ khu vực lõi, hình ảnh thu được sẽ truyền về cho các chuyên gia nghiên cứu phân tích và phán đoán. Ngoài ra, máy bay không người lái sẽ cung cấp ánh sáng ban đêm cho hiện trường tìm kiếm và cứu nạn.

Để đảm bảo cho việc vận chuyển nhân lực, vật tư được thông suốt, bắt đầu từ chiều 22/3, hơn 500 mét con đường độc đạo dẫn vào vùng lõi đã được triển khai xây dựng.

Nhiều cấu kiện máy bay được tìm thấy dưới hố sâu được tạo ra khi máy bay tiếp đất (Ảnh: Đông Phương).

Nhiều cấu kiện máy bay được tìm thấy dưới hố sâu được tạo ra khi máy bay tiếp đất (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, các chuyên gia kỹ thuật đang khôi phục địa hình tại chỗ thông qua mô hình 3D, đánh dấu các vật phẩm và dấu vết tại chỗ để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Tối 23/3, tại cuộc họp báo lần thứ ba, Sở chỉ huy Cơ quan ứng phó khẩn cấp quốc gia Trung Quốc thông báo, vào khoảng 16h30 ngày 23/3, một hộp đen được tìm thấy trong lớp bùn đất bề mặt cách điểm va chạm chính của vụ tai nạn khoảng 30 mét về phía đông nam. Hộp đen này ban đầu được xác định là máy ghi âm buồng lái (CVR).

Chiếc hộp đen này đã được gửi ngay trong đêm cho một cơ quan hàng không dân dụng chuyên nghiệp ở Bắc Kinh để giải mã. Quá trình tải xuống và giải mã dữ liệu của máy ghi mất nhiều thời gian và có thể lâu hơn nếu bộ nhớ trong bị hỏng.

Sau khi giải mã xong, nó sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng để phân tích và phán đoán nguyên nhân vụ tai nạn, tiếp theo, các điều tra viên sẽ tiếp tục tìm kiếm hộp đen thứ hai - một thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) khác để hỗ trợ dữ liệu toàn diện hơn cho việc khôi phục toàn bộ sự cố. Tuy nhiên, chiều 24/3 có tin các chuyên gia tiết lộ “không loại trừ chiếc hộp đen này đã bị hư hại”.

Ông Vương Á Nam (Wang Yanan), Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không của Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, nói với các nhà báo, chiếc hộp đen được tìm thấy hôm thứ 23/3 nằm trong lớp đất bề mặt cách điểm va chạm chính khoảng 20 mét về phía đông nam, cho thấy chiếc hộp đen còn lại có thể cách đó không xa. Chiếc hộp đen này là máy ghi âm buồng lái (CVR); chiếc còn lại là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), dùng để lưu trữ các thông số bao gồm trạng thái bay của máy bay, diễn biến thao tác của phi hành đoàn và các tham số then chốt trên máy bay, giúp điều tra viên tái hiện tình hình vụ tai nạn.

Hình ảnh được cho là chiếc máy bay rơi theo chiều thẳng đứng được camera hành trình một xe ô tô tình cờ ghi được (Nguồn: Chinatimes).

Ông Vương Á Nam cho biết, nếu dữ liệu của hai hộp đen có thể được trích xuất, sẽ hỗ trợ toàn diện hơn cho việc khôi phục sự thật của vụ tai nạn. Ông chỉ ra rằng nếu tất cả các hộp đen đều được thu hồi, xác định ban đầu về nguyên nhân của vụ tai nạn có thể được hình thành nhanh chóng hơn. Việc công bố biên bản điều tra tai nạn hàng không là một công việc nghiêm túc và tỉ mỉ, cần được xem xét nhiều hướng và đầy đủ mọi yếu tố, thậm chí phải thực hiện lại qua một số thí nghiệm mô phỏng.

Vào ngày xảy ra vụ việc (21/3), trên mạng lan truyền hình ảnh của một camera giám sát hành trình đã ghi lại được hình ảnh chiếc máy bay chở khách bị rơi theo chiều cắm thẳng đứng xuống đất. Đoạn phim này được cho là camera giám sát trên đường vận chuyển của một chiếc xe ở khu vực mỏ Ngô Châu. Ông Chu, người đứng đầu công ty mỏ Ngô Châu hôm thứ 23/3 đã xác nhận rằng cảnh sát Ngô Châu đã thu giữ chiếc camera cùng với thẻ nhớ sau khi đoạn video này lan truyền trên mạng. Theo tính toán của cảnh sát, chiếc camera giám sát này ở vị trí cách nơi xảy ra vụ tai nạn 5,3 km. Hình ảnh trên mạng đã được phóng to lên nhiều lần, cụ thể đây có phải là chiếc máy bay gặp nạn hay không cần được các chuyên gia xác định.