Vụ tai nạn hàng không thảm khốc ở Iran: Những diễn biến mới nhất

VietTimes -- Sáng 8/1/2020, chiếc máy bay chở khách Boeing 737 của hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) đã bị rơi sau khi vừa cất cánh khỏi Tehran, Iran được ít phút. Toàn bộ số người trên máy bay đã thiệt mạng.

Ukraine điều tra khả năng máy bay bị tên lửa chống không bắn hạ

Các mảnh vỡ của máy bay gặp nạn trải dài trên mặt đất, tại hiện trường tai nạn (Ảnh: CNN)
Các mảnh vỡ của máy bay gặp nạn trải dài trên mặt đất, tại hiện trường tai nạn (Ảnh: CNN)

Ukraine hiện đang điều tra nhiều khả năng khiến cho máy bay của họ gặp nạn ngay khi vừa cất cánh khỏi Tehran, Iran.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, ông Oleksiy Danilov, đã viết trên Facebook rằng sẽ có một cuộc họp giữa chính quyền Iran và Ukraine trong hôm thứ Năm, trong đó hai bên sẽ thảo luận về vô số giả thuyết khiến chuyến bay trên gặp nạn.

Trong số đó có giả thuyết cho rằng chiếc máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa chống không; ông Danilov viết. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự khiến chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn, trong khi một số lời giải thích - như việc máy bay gặp lỗi kỹ thuật - vẫn đang được thảo luận.

Một số giả thuyết khác cũng đang được cân nhắc, như chiếc máy bay đã va chạm với một máy bay không người lái (drone) hoặc "vật thể bay khác"; các vấn đề kỹ thuật liên quan tới động cơ máy bay, khiến cho động cơ phát nổ; hoặc một vụ nổ xảy ra bên trong khoang máy bay do hành động khủng bố...

Chồng một nữ nạn nhân cho hay vợ ông có linh cảm về vụ tai nạn, gọi điện vào khoảng thời gian 20 phút trước khi cất cánh

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: CNN)
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: CNN)

20 phút trước khi chuyến bay yểu mệnh cất cánh khỏi thủ đô Tehran của Iran, bà Sheyda Shadkhoo đã gọi cho chồng mình từ bên trong máy bay. Bà muốn ông trấn an với bà rằng mọi chuyện sẽ ổn - theo lời kể của người chồng.

Ông Hassan Shadkhoo, chồng của nạn nhân xấu số, kể rằng vợ của ông làm việc ở Toronto và được nghỉ 3 tuần lễ, một dịp hiếm hoi để trở về Tehran thăm mẹ và những người chị gái. Kỳ nghỉ kết thúc, bà đang trên đường trở về gia đình mình ở Canada. Chuyến bay của bà cất cánh từ Tehran và điểm đến tiếp theo là thủ đô Kiev của Ukraine.

"Tôi đã nói chuyện với cô ấy...chỉ 20 phút trước khi máy bay cất cánh" - ông Hassan kể lại.

Theo ông Hassan, vợ của ông đã tỏ ra rất lo lắng về tình hình căng thẳng giữa Iran và Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump hạ lệnh ám sát tướng Iran Qasem Soleimani.

"Cô ấy muốn tôi trấn an rằng sẽ không có chiến tranh nổ ra. Tôi nói với cô ấy đừng lo lắng quá. Sẽ không có điều gì xảy ra cả" - ông Hassan nói với kênh CBC, thêm rằng vợ của ông kết thúc cú điện thoại bằng một lời tạm biệt trước khi tắt máy để chuẩn bị cho quá trình cất cánh.

Báo cáo điều tra sơ bộ: Máy bay bốc cháy trước khi đâm xuống đất

Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran cho hay chuyến bay PS752 của hãng hàng không quốc tế ukraine đã bbij cháy trước khi đâm xuống đất; cơ quan này nói trong bản báo cáo sơ bộ công bố hôm 9/1, dẫn lời một số nhân chứng. Bản báo cáo cũng nhắc tới việc chiếc máy bay này đã chuyển hướng sau khi gặp vấn đề và bay về hướng sân bay nơi nó cất cánh.

Tổng thống Ukraine tuyên bố lấy 9/1 làm ngày quốc tang

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại sân bay Boryspil, Ukraine (Ảnh: CNN)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại sân bay Boryspil, Ukraine (Ảnh: CNN)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố lấy 9/1 làm ngày quốc tang.

Trong một tuyên bố được website chính thức của ông đưa ra, ông Zelensky còn nói rằng ông sẽ nói chuyện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

45 chuyên gia của Ukraine đã tới thủ đô Tehran, Iran để hỗ trợ công tác điều tra và giúp nhận diện nạn nhân; ông Zelensky cho hay.

Những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Boeing 737

Các lực lượng chức năng Iran kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay (Ảnh: CNN)
Các lực lượng chức năng Iran kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay (Ảnh: CNN)

Có 82 công dân Iran, 63 công dân Canada và 11 công dân Ukraine đã thiệt mạng trong chuyến bay PS752 - theo thông tin mà Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Ngoài ra còn có 10 công dân Thụy Điển, 4 công dân Afghanistan, 3 công dân Đức và 3 công dân Anh trong số các nạn nhân.

Chiếc Boeing 737 vận hành bởi hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) cất cánh vào sáng sớm hôm 8/1 để tới thủ đô Kiev, Ukraine chở theo 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Nó gặp nạn tại vị trí giữa thành phố Parand và Shahriar. Các nhân chứng kể lại rằng họ đã trông thấy một khối lửa lớn trên bầu trời vào lúc vụ tai nạn xảy ra.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng 138 hành khách được cho là đã bắt chuyến bay chuyển tiếp để tới Canada. Chuyến bay đó đã hạ cánh ở Toronto, Canada vào chiều hôm thứ Tư vừa qua trong khi còn rất nhiều ghế trống.

Thiết bị "hộp đen" của máy bay được xử lý ra sao?

Thiết bị "hộp đen" trên máy bay - gồm bộ ghi dữ liệu và bộ ghi âm buồng lái - có thể cung cấp bằng chứng về điều đã xảy ra trước khi máy bay gặp nạn.

Sau khi hộp đen của chiếc may bay gặp nạn được tìm thấy, ông Ali Abedzadeh, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Dân sự Iran, đã nói với hãng thông tấn bán chính thức Mehr rằng Mỹ không liên quan tới bất cứ giai đoạn nào của cuộc điều tra. "Chúng tôi sẽ không trao hộp đen cho nhà sản xuất Boeing hay Mỹ" - ông khẳng định.

Theo quy định quốc tế, Iran sẽ là bên dẫn đầu cuộc điều tra vụ tai nạn hàng không và Ukraine nên tham gia với tư cách là bên điều hành chiếc máy bay gặp nạn. Nhưng Mỹ - nơi mà chiếc máy bay Boeing được thiết kế và sản xuất - không nhất thiết phải tham gia vào quá trình điều tra này - theo đánh giá của cựu Giám đốc Cục Quản lý Hàng không liên bang Mỹ (FAA) Michael Goldfarb.

Nếu chính quyền Iran gặp khó với việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen, họ có thể nhờ tới 3 phòng thí nghiệm tốt nhất trên thế giới ở Anh, Pháp và phòng thí nghiệm NTSB ở Mỹ.

Tuy nhiên, ông Goldfarb nói rằng Iran khó có cách để từ chối hợp tác với Boeing, bởi Boeing là nhà sản xuất chiếc máy bay đã gặp nạn. "Họ cần phải hợp tác với Boeing. Boeing có đủ dữ liệu, sở hữu tất cả các bản vẽ và bản thiết kế, họ có nhiều kỹ sư lành nghề hiểu rõ về chiếc máy bay này" - ông Goldfarb nói.

Hãng hàng không quốc tế Ukraine: Phi công khó có thể mắc lỗi

Phó Chủ tịch điều hành hoạt động hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) Ihor Sosnovsky nói rằng, phi hành đoàn trên chuyến bay gặp nạn có kinh nghiệm dạn dày nên khó có khả năng họ mắc lỗi, để xảy ra tai nạn hàng không thảm khốc.

"Sân bay ở Tehran không đơn giản. Bởi vậy trong suốt vài năm qua UIA đã sử dụng sân bay này để thực hiện các khóa huấn luyện bay mẫu Boeing 737 nhằm tăng cường khả năng điều khiển của phi công, cùng khả năng xử lý lúc khẩn cấp. Theo dữ liệu của chúng tôi, máy bay (vừa gặp nạn) đã đạt tới độ cao 2.400 m. Với kinh nghiệm của phi hành đoàn, khả năng họ mắc lỗi là rất nhỏ. Chúng tôi còn cho rằng không có khả năng đó" - ông Sosnovsky nói.

UIA cũng công bố danh tính của các phi hành đoàn, những người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

- Các phi công của máy bay gồm:

Cơ trưởng Volodymyr Gaponenko (kinh nghiệm 11.600 giờ bay với mẫu Boeing 737, trong đó có 5.500 giờ bay với vị trí cơ trưởng)

Phi công hướng dẫn Oleksiy Naumkin (kinh nghiệm 12.000 giờ bay với mẫu Boeing 737, trong đó có 6.600 giờ bay với vị trí cơ trưởng)

Cơ phó Serhii Khomenko (kinh nghiệm 7.600 giờ bay với mẫu Boeing 737)

- Các tiếp viên hàng không bao gồm:

Ihor Matkov, tiếp viên trưởng

Kateryna Statnik

Mariia Mykytiuk

Valeriia Ovcharuk

Yuliia Solohub

Denys Lykhno

Những thông tin xung quanh vụ tai nạn máy bay ở Iran

Nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737 của hãng hàng không quốc tế Ukraine bị rơi khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng vẫn chưa được làm rõ, trong lúc các cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Các diễn biến cập nhật liên quan tới vụ tai nạn hàng không thảm khốc này:

- Có khả năng vụ tai nạn không phải do "mắc lỗi": Với kinh nghiệm bay dạn dày của các phi công, khó có khả năng vụ tai nạn trên là do lỗi của phi hành đoàn, Phó Chủ tịch hãng hàng không quốc tế Ukraine Ihor Sosnovsky nói trong một tuyên bố.

 - Chiếc máy bay gặp nạn được chế tạo năm 2016: Hãng hàng không quốc tế Ukraine nói trong một tuyên bố rằng chiếc máy bay gặp nạn là mẫu Boeing 737-800 NG, "được chế tạo vào năm 2016 và được nhà sản xuất chuyển trực tiếp tới hãng hàng không".

- Vụ tai nạn vẫn đang trong quá trình điều tra: Cơ quan tình báo Mỹ hiện đang "tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn" máy bay; một quan chức Mỹ nói với CNN, trong lúc xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ về nguyên nhân gây ra tai nạn hàng không thảm khốc xảy ra gần sân bay Tehran, Iran.

- Thời khắc trước khi xảy ra tai nạn: Chiếc Boeing 737-800 đã leo lên độ cao gần 8.000 ft (2,4 km) trước khi dữ liệu về mát bay đột nhiên biến mất; theo hãng FlightRadar 24. Theo cựu quan chức của Cục Quản lý hàng không Mỹ (FAA) Michael Goldfarb, điều này là "rất bất thường" và báo trước một vụ tai nạn thảm khốc, không phải do lỗi động cơ. Thường thì một chiếc máy bay vẫn có thể tiếp tục bay ngay cả khi một động cơ bị hỏng, có nghĩa rằng các phi công có đủ thời gian để liên lạc với mặt đất và phục hồi máy bay.

- Vụ tai nạn đầu tiên của hãng hàng không quốc tế Ukraine: Hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) được thành lập vào năm 1992 như hãng hàng không quốc gia của Ukraine. Theo website chính thức, UIA vận hành 42 máy bay, có tuyến đường bay từ Ukraine tới 38 quốc gia trên thế giới, và trụ sở chính là tại sân bay quốc tế Boryspil ở thủ đô Kiev. Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn hàng không liên quan tới một trong số các máy bay của hãng này.