|
Bến xe Mỹ Đình |
Nửa tỷ đồng cho một lốt xe
Tham nhũng là quốc nạn đang diễn ra phổ biến trong xã hội, đến nỗi người dân nhiều khi “vô cảm” với tham nhũng và coi như phải “sống chung với lũ”.
Dựa trên các chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới, có chuyên gia đánh giá rằng “2/3 công việc ở Việt Nam bị tham nhũng cản trở, phá hoại”.[1] Còn theo khảo sát về Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), tham nhũng vặt diễn ra khắp nơi.[2] Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế, khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (công bố 11/8/2015) cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp gặp phiền hà và 32% phải “bôi trơn” khi làm thủ tục thuế.[3]
Thế nên, không ngạc nhiên khi một vụ tiêu cực được phanh phui, không ít người than: “chuyện thường ngày ở huyện, sao giờ mới xử lý?”. Có lẽ tâm lý này cũng xuất hiện khi tại cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ngày 15/10/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiết lộ thông tin về việc “có người nói xin một lốt xe (slot - lượt xuất bến - TG) vào bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng”.
Chưa bàn về độ khả tín của thông tin mà bộ trưởng Thăng nghe được, cách thức các cơ quan công quyền xử lý vụ việc khá bất ngờ. Trái với mối lo ngại lâu nay rằng chính quyền cấp trên có thể bao che cho sai phạm của cấp dưới bằng điệp khúc “không biết, không nghe, không thấy”, ở vụ này Bộ trưởng Bộ GTVT đã tiếp nhận thông tin từ dư luận và bày tỏ thái độ bức xúc khi phê bình cái khuyết tật muôn thuở của nền hành chính: “các ông chỉ thích “xin - cho"”.
Thế nhưng, thay vì tiếp thu thông tin phản ánh và xác minh vụ việc, ngày 16/10, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đã có văn bản gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về vụ việc.
|
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, “có người nói xin một lốt xe vào bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng" |
Không mạnh mẽ, sẽ “chìm xuồng”
Nếu vụ việc cứ tiếp diễn theo kiểu “đưa đẩy thông tin” giữa các cơ quan quản lý, người dân sẽ thất vọng khi không thấy một sự xử lý quyết liệt, nghiêm khắc theo pháp luật. Thiết nghĩ bộ máy hành chính nước ta vốn không hiếm trường hợp “trên bảo dưới không nghe”. Nếu cấp trên không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì cũng như “rung cây dọa khỉ” mà thôi. Trong trường hợp này, nếu Bộ chỉ tiết lộ thông tin rồi nhắc nhở, để cho Sở kiểm tra nội bộ thì vụ việc có thể không được giải quyết rốt ráo và “chìm xuồng”.
Do đó, Bộ GTVT cần sử dụng “thượng phương bảo kiếm” đã được Luật Tổ chức Chính phủ và Nghị định 36/2012 (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ) cho phép. Theo đó, Bộ có quyền giải quyết tố cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan và có quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội, Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình. Các quyền hạn này được thực hiện theo pháp luật về giải quyết tố cáo và thanh tra.
Việc thanh tra có lẽ sẽ có hiệu quả hơn nếu được tiến hành bất ngờ, thay vì thông tin tố cáo việc “chạy bến xe” được tiết lộ trước. Thông qua thanh tra, Bộ mới có căn cứ pháp lý vững chắc để quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng ở Hà Nội.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, với tư cách là cơ quan chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Sở GTVT Hà Nội, sau khi nghe tin về vụ việc cần có những biện pháp cấp bách nhằm xác định rõ đúng sai và trả lời cho mối nghi ngờ của công luận. Việc xử lý của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội có thể còn hiệu quả hơn Bộ GTVT, vì ngoài quyền hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, cơ quan này còn có thể đình chỉ chức vụ, cách chức những công chức tham nhũng nếu có.
Thêm vào đó, cũng rất cần một nền báo chí điều tra hoạt động theo luật báo chí. Nó vừa là sự phản biện, sự giám sát và cũng là sự trợ giúp cho chính quyền trong việc phanh phui các vụ án tham nhũng.
Cách đây vài hôm, trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, đánh giá: “Lực lượng cản trở chống tham nhũng hiện tại cũng rất mạnh. Tham nhũng luôn gắn liền chặt chẽ với nạn quan liêu. Hệ thống này cấu kết với nhau từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, che chắn, đối phó, cản trở mạnh mẽ những nỗ lực phòng chống tham nhũng”.
Thiết nghĩ, những phát biểu mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ luôn được người dân quan tâm, đón nhận. Song mong mỏi lớn hơn nữa là các vị sẽ không dừng ở mức độ, như cách nói dân gian là “chém gió”, mà hãy thực thi đúng những quyền hạn được pháp luật cho phép, nhằm thể hiện cho dân thấy rằng các vị có quyết tâm chống tham nhũng. Luật pháp đã có, cái thiếu là quyết tâm chính trị nhằm thực thi luật.
Theo VNN