Tân Hoa xã ngày 22/9 cho hay cùng ngày, trong cuộc tập trận Liên hợp trên biển - 2017 giai đoạn hai, Hải quân Trung Quốc và Nga đã triển khai diễn tập cứu hộ tàu ngầm khẩn cấp ở vịnh Peter The Great, biển Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành diễn tập khoa mục này.
Lần đầu tiên điều động lực lượng cứu hộ khẩn cấp, liên hợp
Chuyên gia cứu hộ tàu ngầm Hải quân Trung Quốc, Đại tá Trần Hạo đã tiến hành bình luận về hoạt động diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần này. Ông cho rằng hoạt động diễn tập lần này giữa Trung Quốc và Nga có các đặc điểm rõ ràng như liên hợp, nhanh chóng, thực chiến, hiệu quả cao. Các đặc điểm này thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình của hành động cứu hộ, triển khai hành động cứu hộ liên hợp theo mô hình này.
Đây là điều ít có trong các cuộc diễn tập cứu hộ tàu ngầm được tiến hành giữa hai hoặc nhiều quốc gia trong quan hệ quốc tế trước đây.
Hành động cứu hộ tàu ngầm là một "công trình lớn" mang tính hệ thống, từ kịp thời báo và nhận thông tin tàu ngầm gặp nguy hiểm đến lực lượng cứu hộ được điều động khẩn cấp, tìm kiếm và xác định vị trí thực sự của tàu ngầm bị chìm, sử dụng nhiều biện pháp để tiến hành cứu hộ các thủy thủ, có rất nhiều công đoạn, yêu cầu hiệp đồng rất cao.
Cuộc diễn tập lần này đã áp dụng mô hình sát thực tế chiến đấu, không chỉ đã thể hiện đầy đủ lòng tin cao độ giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga, mà còn có thể phản ánh được thành quả diễn tập "Liên hợp trên biển" trong nhiều năm đã được kiểm nghiệm thực tế trong khoa mục cứu hộ tàu ngầm.
Lần đầu tiên kết nối tàu thật với tàu ngầm nước ngoài
Tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo của hải quân Trung Quốc mang theo xuồng cứu hộ LR-7, tàu cứu hộ hải quân Nga mang theo xuồng cứu hộ AC-40, hai bên hợp tác hoàn thành bài tập cứu hộ dưới biển cùng với tàu ngầm của hải quân Nga. Điều này đánh dấu hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện hành động cứu hộ kết nối tàu thật với tàu ngầm nước ngoài.
Đây là điểm sáng lớn trong cuộc tập trận lần này giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga. Hành động cứu hộ kết nối tàu thật là khâu phức tạp nhất trong hoạt động cứu hộ tàu ngầm, liên quan đến tất cả nhân viên trên tàu, trong quá trình huấn luyện cần kiểm soát rủi ro, không thể để xảy ra một số thao tác sai lầm.
Trong hợp tác với quân đội nước ngoài lần này, do đây là lần đầu tiên tiến hành kết nối với tàu ngầm nước khác, hải quân Trung Quốc gặp một số khó khăn trao đổi về hiệp đồng, điều này đòi hỏi phải tiến hành rất nhiều công tác chuẩn bị từ trước.
Cuộc diễn tập lần này được tiến hành ở vùng biển mới lạ, môi trường thủy văn không quen, việc kết nối còn gặp khó khăn nhất định. Điều này đòi hỏi phải coi mỗi cuộc diễn tập đều như lần đầu tiên tiến hành, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, học tập khiêm tốn, triển khai hành động chính xác.
Trong giai đoạn diễn tập trên bờ, hai bên đã tiến hành trước hoạt động làm quen giữa trang bị hai bên, cụ thể hóa phương án diễn tập, tiến hành các hoạt động như diễn tập trên sa bàn, đến ngày 22/9 đi vào giai đoạn thực hành diễn tập trên biển.
Trong diễn tập, đặt ra tình huống tàu ngầm Nga gặp tai nạn và chìm xuống đáy biển. Theo đó, tàu cứu hộ Trường Đảo sử dụng thiết bị định vị thủy âm hình ảnh tiến hành định vị chính xác tàu ngầm "gặp nạn", sau đó nhanh chóng đến vùng biển mục tiêu, tiến hành định vị động cơ và triển khai hoạt động, thả xuồng cứu hộ xuống nước. Sau đó, xuồng cứu hộ lặn xuống biển tiến hành kết nối với tàu ngầm, tiến hành cứu hộ khẩn cấp.
Bộ phận quan trọng trong sức chiến đấu của tàu ngầm
Cứu hộ tàu ngầm thuộc phạm trù nhân đạo, cũng là bộ phận quan trọng hình thành sức chiến đấu của tàu ngầm. Tàu Trường Đảo là tàu cứ hộ tàu ngầm mới của hải quân Trung Quốc, từng tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - 2016.
Khi đó, tàu Trường Đảo đã triển khai diễn tập cứu hộ tàu ngầm với hải quân nhiều nước, tiến hành diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần đầu tiên với hải quân Mỹ, kết nối thành công với phương tiện cứu hộ mô phỏng của hải quân Mỹ, lần đầu tiên tổ chức chỉ huy thủy thủ của hải quân nhiều nước như Mỹ, Canada, Australia tiến hành hoạt động lặn trên biển, đã hoàn thành diễn tập các khoa mục như vớt máy bay trực thăng "gặp nạn", vớt container.
Cứu hộ tàu ngầm là một hành động mang tính tổng hợp, đã tập trung ứng dụng tất cả các công nghệ tiên tiến nhất liên quan đến biển sâu và cứu hộ. Thông qua hoạt động hợp tác, giao lưu này, hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ có đột phá về khả năng cứu hộ tàu ngầm.
Thể hiện lòng tin cao và hợp tác sâu sắc Trung - Nga
Tàu ngầm là vũ khí "sát thủ" của các nước, mức độ bí mật rất cao. Lần này hải quân hai nước Trung Quốc và Nga cử tàu cứu hộ và tàu ngầm tiến hành diễn tập kết nối tàu thật đã cho thấy hai nước có lòng tin cao độ và hợp tác sâu sắc về quân sự.
Diễn tập cứu hộ tàu ngầm lần này không chỉ có lợi cho tăng cường lòng tin, hiểu biết và thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga, mà còn có lợi cho Trung Quốc khẳng định quyết tâm và lòng tin vào việc tích cực thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ “cứu hộ nhân đạo quốc tế”, sẽ tích lũy kinh nghiệm có ích cho việc tìm kiếm và tăng cường giao lưu, hợp tác cứu hộ tàu ngầm quốc tế.
“Vũ khí lợi hại” trong diễn tập
Trong diễn tập lần này, xuồng cứu hộ biển sâu được chở trên boong tàu cứu hộ Trường Đảo là "vũ khí lợi hại" quan trọng. Nó lặn sâu tới hơn 80 m ở dưới nước, tiến hành kết nối với tàu ngầm "gặp nạn" của hải quân Nga.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có số ít quốc gia như Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có xuồng cứu hộ biển sâu.
Loại xuồng này hoạt độ ở độ sâu lớn, có thể điều chỉnh tư thế ở dưới nước, có khả năng hành động nhanh - do nó có hệ thống đẩy 6 chân vịt, có thể hoạt động tự do khi có gió cấp 4, có thể điều chỉnh tư thế một cách linh hoạt và tiến hành kết nối với tàu ngầm "gặp nạn".
Độ nguy hiểm cao
Xuồng cứu hộ tàu ngầm là một trang bị cứu hộ dưới nước, có đặc điểm giống như tàu lặn, có thể tự chủ hoạt động dưới nước, lận xuống nổi lên. Nhưng điểm khác với tàu ngầm và tàu lặn là xuồng cứu hộ lặn chủ yếu phụ trách cứu hộ tàu ngầm bị gặp nạn và chìm xuống đáy biển.
Tác dụng của xuồng cứu hộ biển sâu có sự khác biệt về chất với tàu ngầm và tàu lặn. Vì vậy, xuồng cứu hộ biển sâu không thể và cũng không cần thiết lặn sâu tới hơn 7.000 m như tàu lặn Giao Long, cũng không có khả năng trinh sát, tác chiến với tàu chiến của tàu ngầm.
Trong cứu hộ tàu ngầm, khi cứu hộ thủy thủ tàu ngầm thì phải tiến hành mở khoang tàu, mức độ phức tạp lớn, phạm vi hoạt động gặp nhiều trở ngại, môi trường tác nghiệp phức tạp, yêu cầu tiến hành cứu hộ trong thời gian ngắn, tính nguy hiểm rất cao.