Vụ 10 người bị ngộ độc cá chép muối chua ở Quảng Nam: Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung mọi nguồn lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc. 
Bệnh nhân vị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (ảnh BVCC)
Bệnh nhân vị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (ảnh BVCC)

Trước diễn biến của vụ ngộ độc thực phẩm khiến 10 người dân nhập viện và đã có nạn nhân tử vong sau khi ăn cá chép ủ chua, chiều nay, 19/3, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - đã ký công văn chỉ đạo việc cứu chữa các nạn nhân.

Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Trong trường hợp cần sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác để cứu chữa, Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn.

Trong đó, đặc biệt truyền thông để người dân biết được các thông tin về ngộ độc Botulium theo hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulium của Bộ Y tế, như loại thực phẩm gây ngộ độc, cách sử dụng thực phẩm để loại bỏ độc tố, các dấu hiệu nghi ngờ để đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh…

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Viện Pasteur Nha Trang đã chủ động, tích cực và phối hợp kịp thời để cấp cứu, chống độc, điều trị cho người bệnh, đồng thời tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.

Trước đó, từ ngày 10/3 đến ngày 17/3, trên địa bàn huyện Phước Sơn đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 10 người có diễn biến nặng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Cụ thể, ngày 10/3, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhân ngộ độc thức ăn từ Trung tâm y tế huyện Phước Sơn chuyển đến.

Các bệnh nhân này đều ăn cá chép ủ chua trước đó, sau ăn thì có triệu chứng nôn mửa nhiều, đau bụng. Qua chẩn đoán và điều trị, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam xác định các bệnh nhân đều ngộ độc Botulinum.

Cũng thời gian này, bệnh viện tiếp nhận thêm 1 trường hợp 29 tuổi (người Giẻ Triêng, trú tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) tuy không ăn cùng bữa với các trường hợp trên nhưng có dùng món cá chép ủ chua do gia đình tự làm.

Đến chiều ngày 17/3, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam tiếp tục nhận điều trị 5 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 ca cùng một gia đình. Cả 5 bệnh nhân đều ở vùng dịch tễ có chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum và đều ăn cá chép ủ chua do gia đình tự làm, trong đó, 3/5 bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở máy.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Đặc biệt, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức, gồm TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và BSCKII Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cùng một dược sĩ trực tiếp mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum đang có tại bệnh viện (mỗi lọ trị giá hơn 6.000 USD) ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, qua hội chẩn và chỉ định làm các xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân đều ngộ độc do Botulinum tuýp E. Bệnh nhân nhiễm Botulinum là một rối loạn hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng xảy ra khi độc tố Botulinum lan theo đường máu.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. Đáng lưu ý, vi khuẩn có thể sống trong các thực phẩm như đồ hộp đã mở, thịt, sữa, cá hun khói… nhiều tuần ở điều kiện bảo quản lạnh. Người nhiễm độc tố của Botulium có thể xuất hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính (đau bụng, sốt) hoặc hội chứng nhiễm độc thần kinh với biểu hiện như liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong.

Chính vì vậy, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng thức ăn trong môi trường yếm khí (đồ ăn đóng hộp bị phồng, được hút chân không) hoặc các loại cá muối trong lu, ghè; thức ăn ôi thiu. Người dân cần ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh - an toàn thực phẩm.