Theo đó, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 7/5, tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến và Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã làm cho 230 người phải nhập viện điều trị với các triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
Ngay khi vụ việc xảy ra, Ban Quản lý ATTP đã phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm soát, điều tra, xử lý vụ việc và xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do ăn phải các thức ăn bị nhiễm khuẩn. Các món ăn như: nem chay, mì căn, chả phù chúc, đậu khuôn chiên, cá kho chay, sườn xíu chay, mì căn xào thịt bò chay, chả chay kho, nui xào, được các hộ gia đình tự chế biến từ nguyên liệu hoặc mua món chế biến sẵn tại chợ Túy Loan, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang).
Các hộ kinh doanh bán thực phẩm để xảy ra ngộ độc gồm: hộ kinh doanh Nguyễn Thị Kim Thi và Nguyễn Thị Tâm.
Với hành vi “Bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, UBND TP Đà Nẵng quyết định xử phạt 2 hộ kinh doanh này mỗi hộ 90 triệu đồng. Đồng thời, UBND TP đình chỉ kinh doanh đồ chay 4 tháng, buộc tiêu hủy toàn bộ thực phẩm bị ô nhiễm.
Ngoài ra, Ban Quản lý ATTP còn ra quyết định xử phạt đối với hộ sản xuất đậu khuôn Nguyễn Thị Tân số tiền 12,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất 2 tháng vì hành vi “Vi phạm các điều kiện đảm bảo ATTP Atrong sản xuất thực phẩm theo quy định của pháp luật, cụ thể là sản xuất đậu khuôn có vi khuẩn E.Coli, có thể gây hại đến tính mạng con người.
Trước đó như VietTimes đã đưa tin, từ chiều 7/5 đến rạng sáng 8/5, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) liên tiếp tiếp nhận người ở 5 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến và Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nhập viện với cùng triệu chứng nôn ói, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy. Trong số này, hàng chục người có biểu hiện nặng đã phải chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nh.
Sau khi xảy ra vụ việc, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cũng đã vào cuộc điều tra, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm và xác định nguồn gây ngộ độc. Rất may vụ ngộ độc không gây ra chết người, nhưng đây là bài học cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn, nhất là vào mùa nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu và phát sinh ngộ độc.
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ hạn sử dụng và tình trạng thực phẩm, nên mua thực phẩm tại các cửa hàng có thiết bị bảo quản đảm bảo.