VPBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ lên tới 80%?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu chốt phương án này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 25.300 tỉ đồng lên 45.540 tỉ đồng.
VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022 (Ảnh: VPBank)
VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022 (Ảnh: VPBank)

Như VietTimes từng đề cập, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7/2021 để lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Một nguồn tin khả tín tiết lộ với VietTimes về phương án chia cổ tức mà VPBank dự trình đại hội đồng cổ đông. Theo đó, tỉ lệ chia cổ tức dự kiến lên tới 80% bằng cổ phiếu. Nếu phương án này được thông qua, quy mô vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 25.300 tỉ đồng lên 45.540 tỉ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt hơn 52.700 tỉ đồng và có thể tăng lên đến 90.000 tỉ đồng vào cuối năm 2021.

Ngân hàng sẽ có thêm 3 nguồn thu chính để tăng quy mô vốn chủ sở hữu trong năm nay, đó là nguồn thu từ bảo hiểm, thu từ bán vốn FE Credit và lợi nhuận để lại năm 2021. Theo lãnh đạo VPBank, tới cuối năm 2022, quy mô vốn điều lệ của VPBank có thể đạt 75.000 tỉ đồng.

VPBank cũng lên kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, có thể dùng cả lượng cổ phiếu quỹ đang có (75,2 triệu cổ phiếu) kết hợp với phát hành cổ phiếu mới. Ngân hàng này cũng đã khóa “room” ngoại ở mức 15%.

Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 16.654 tỉ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020; tổng tài sản tăng 17,4% lên 491.886 tỉ đồng; huy động tiền gửi và giấy tờ có giá tăng 10,5% lên 327.280 tỉ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% lên 376.340 tỉ đồng./.