Chuyển động khối ngoại ở VPBank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà tăng giá của cổ phiếu VPB vấp phải động thái bán ròng từ khối ngoại. Giai đoạn từ ngày 15/4 – 4/5, khối ngoại đã bán ròng 16,05 triệu cổ phiếu VPB, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 22,36%.

Ít tuần trước khi “deal” FE Credit được công bố, cổ phiếu VPB bắt đầu “nổi sóng” trên sàn chứng khoán. Ngày 12/4, hơn 12,4 triệu cổ phiếu VPB được sang tay qua phương thức khớp lệnh, thanh khoản cao gấp 3 lần trung bình của 20 phiên trước đó.

Gần kề ngày chốt “deal”, giới thạo tin trên thị trường cũng bắt đầu truyền tai nhau về thương vụ tỉ đô của VPBank.

Họ đặt cược thương vụ sẽ giúp VPBank bổ sung thêm hàng chục nghìn tỉ đồng vào giá trị sổ sách, kéo hệ số định giá P/B của nhà băng này xuống khoảng 1,6 lần – đây là mức thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung P/B ở mức 1,8 lần của khối ngân hàng trên thị trường.

Sức hấp dẫn về mặt định giá hút dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu VPB, đẩy thanh khoản dâng cao. Như phiên giao dịch ngày 21/4, thanh khoản của cổ phiếu VPB đạt mức 18,5 triệu đơn vị, cao gấp 2,5 lần so với phiên giao dịch trước đó. Hay như phiên giao dịch ngày 29/4, tức sau khi “deal” FE Credit được công bố, có tới 41,5 triệu cổ phiếu VPB được trao tay qua phương thức khớp lệnh.

Cổ phiếu VPB bắt đầu hở "room" ngoại từ ngày 15/4/2021 (Nguồn: HSX)

Cổ phiếu VPB bắt đầu hở "room" ngoại từ ngày 15/4/2021 (Nguồn: HSX)

Đà tăng giá của cổ phiếu VPB vấp phải động thái bán ròng từ khối ngoại. Giai đoạn từ ngày 15/4 – 4/5, khối ngoại đã bán ròng 16,05 triệu cổ phiếu VPB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 22,36%.

Đáng chú ý, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ra được hấp thụ nhanh gọn bởi dòng tiền nội, dù áp lực bán trong các phiên ATC lên tới hàng triệu đơn vị.

Không bất ngờ nếu giới chủ VPBank - theo những cách phù hợp và kín đáo - cũng tích cực tham gia đỡ lệnh và chủ động gom thêm VPB trong những phiên vừa qua. "Room" ngoại hở thêm chút nào, họ lại có thêm chừng ấy dư địa để phán hành/bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Mà bán/phát hành lô càng to họ lại càng có vị thế đàm phán.

Khối ngoại bán ròng quy mô lớn, nhưng như đã thấy trong những phiên qua, tất cả đều được "tiêu hoá". Cổ phiếu VPB có thể chịu áp lực giảm vào đầu phiên nhưng thường hồi rất nhanh và tăng mạnh vào cuối phiên, đặc biệt ở phiên ATC.

"Room ngoại lại là tài nguyên quý giá của các ngân hàng" - xin nhắc lại nhận định của một banker nổi tiếng với VietTimes.

SMBC sẽ thành cổ đông chiến lược của VPBank?

Dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài ở các nhà băng top đầu Việt Nam hiện khá hạn hẹp. Trong nhóm "tứ hùng", bên cạnh VPBank, ACB đã cạn "room" ngoại; Techcombank cũng đã lấp đầy sở hữu nước ngoài khi bán cổ phần cho Warburg Pincus kể từ năm 2018; dư địa cho khối ngoại ở MBBank cũng còn rất hạn chế, với chỉ hơn 9 triệu cp ở kết phiên giao dịch 4/5.

Về VPBank, sau sự triệt thoái của OCBC vào cuối năm 2013, VPBank mới chỉ bắt đầu đón lại dòng vốn ngoại từ năm 2017 sau đợt IPO được cho là nhiều thành công vào thời điểm đó, với mức định giá được xác lập ở khoảng 2,2 tỉ USD - theo nguồn tin của VietTimes.

Nhưng lưu ý là các 'investors' ngoại ấy mới tìm đến VPBank chủ yếu để "đầu tư tài chính", chứ chưa phải là đồng hành đúng nghĩa. Bằng chứng là không có investor nào sẵn sàng làm cổ đông lớn và cam kết gắn bó.

Trong khi VPBank lại đang cần một nhà đầu tư chiến lược một cách thực sự.

Tại phiên AGM 2021 vừa diễn ra, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đề cập, VPBank đang lên kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Ông Dũng nói rằng, VPBank sẽ phát hành thêm cổ phiếu mới, gộp thêm số cổ phiếu quỹ hiện có, để bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đánh giá của VietTimes, Tập đoàn đoàn SMBC – bên mua 49% vốn FE Credit - đang tỏ ra là ứng viên khả dĩ hơn cả cho VPBank lúc này./.