VPBank sắp nhận khoản vay 300 triệu USD từ tập đoàn tài chính Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – VPBank sẽ nhận khoản vay 300 triệu USD (khoảng 7.200 tỉ đồng), có kỳ hạn 7 năm, từ tập đoàn DFC nhằm củng cố nền tảng vốn.

VPBank sắp nhận khoản vay 300 triệu USD từ tập đoàn tài chính Mỹ

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (US International Development Finance Corporation – viết tắt: DFC) vừa ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD (khoảng 7.200 tỉ đồng), kỳ hạn 7 năm.

Khoản vay được thu xếp bởi DFC nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

DFC là tổ chức tài chính trực thuộc Chính phủ Mỹ, được thành lập năm 2019 theo Đạo luật Sử dụng nguồn lực đầu tư của Mỹ và tập trung đưa nguồn lực tư nhân tới các khu vực đang phát triển.

Tập đoàn này có sứ mệnh thúc đẩy các chính sách ngoại giao của Mỹ và thúc đẩy đầu tư phát triển trong khu vực tư nhân.

Lễ ký kết giữa DFC và VPBank diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023, nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Khoản vay 300 triệu USD từ DFC được kỳ vọng sẽ là nguồn bổ sung tài chính quan trọng giúp VPBank củng cố nền tảng vốn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và chuyển dịch danh mục đầu tư vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải carbon thấp tại Việt Nam.

Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỉ USD từ năm 2020.

Năm ngoái, VPBank đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính danh tiếng là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd./.