Giá trị thương hiệu VPBank đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng gần 45% so với năm trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chỉ trong vòng 1 năm, giá trị thương hiệu của VPBank đã tăng gần gấp rưỡi, trị giá gần 1,3 tỷ USD, đưa ngân hàng này lên vị trí 173 trong bảng xếp hạng 500 các thương hiệu ngân hàng có giá trị lớn nhất toàn cầu.

Theo thông tin được Brand Finanace, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, sáng ngày hôm nay tại buổi lễ công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã CK: VPB) là một trong bốn doanh nghiệp có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất Việt Nam trong năm nay.

Giá trị thương hiệu VPBank được Brand Finance định giá gần 1,3 tỷ USD. Như vậy, trong vòng 7 năm qua, kể từ lần đầu tiên Brand Finance định giá thương hiệu VPBank ở mức 56 triệu USD, giá trị thương hiệu ngân hàng này đã tăng tới 23 lần.

Anh nhan giai.png

Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về giá trị thương hiệu, VPBank đã nhảy vọt lên vị trí 173 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, tăng 32 bậc so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp vị trí của VPBank thăng hạng trong bảng xếp hạng này.

Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại AA+. Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) của VPBank được Brand Finance chấm 77,61 điểm. Với chỉ số này, VPBank là một trong hai thương hiệu ngân hàng có sự tăng trưởng cao nhất Việt Nam.

“Giá trị thương hiệu tăng lên nhờ sự tăng trưởng vượt bậc về sức mạnh thương hiệu. Sự tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi hiệu quả truyền thông ấn tượng của các hoạt động tái định vị thương hiệu và thay đổi nhận diện thương hiệu từ giữa năm 2022, và cả dự báo tài chính,” Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bình luận về tốc độ tăng trưởng nhanh của giá trị thương hiệu VPBank.

Theo ông Haigh, sự cộng hưởng từ tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam và các thương vụ sáp nhập mới của chính VPBank, gồm việc hoàn tất mua lại Bảo hiểm OPES và Chứng khoán VPBank, đã giúp thương hiệu ngân hàng nâng cao năng lực của mình và phục vụ tất cả các khách hàng trên thị trường.

"Đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực phát triển một chiến lược phân khúc đồng bộ, đa dạng, tập trung vào phân khúc chủ đạo là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank, kết hợp với một mô hình kinh doanh mới khác biệt trên thị trường, nhằm mang đến các giá trị thịnh vượng cho khách hàng và người dân Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất: Vì một Việt Nam Thịnh Vượng,” bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng giám đốc VPBank, chia sẻ.

Uy tín, sức mạnh thương hiệu đã góp phần giúp VPBank huy động thành công hơn 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu trong năm ngoái, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và bảo toàn các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Huy động từ tiền gửi khách hàng tăng gần 30% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%, nằm trong top dẫn đầu thị trường. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2022 tăng 48% so với năm trước và cán mốc 1 tỷ USD.

Sang nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thách thức ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng, VPBank vẫn thu hút thêm khoảng 4 triệu khách hàng mới, đưa tổng số lượng khách hàng trong hệ sinh thái của ngân hàng lên 28 triệu, tương đương với gần 1/3 dân số Việt Nam. Mức xếp hạng tín nhiệm Ba3 của VPBank cũng đã được Moody’s giữ nguyên trong năm nay. Sự tăng trưởng mạnh về sức mạnh thương hiệu, cùng với năng lực nội tại và triển vọng kinh doanh, đã góp phần củng cố niềm tin để ngân SMBC (Nhật Bản) đi đến thỏa thuận mua 15% cổ phần từ VPBank và trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Trong hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập VPBank vừa mới được tổ chức tuần trước, Ban Lãnh đạo ngân hàng đã chính thức công bố mục tiêu đưa VPBank vào Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á vào năm 2026. Đồng thời, ngân hàng cũng đã công bố 5 giá trị cốt lõi gồm Chính trực, Khát vọng, Kỷ cương, Sáng tạo, Hiệu quả, để phù hợp hơn với điều kiện phát triển trong tương lai nhằm đạt mục tiêu đề ra./.