Vốn điều lệ HNG lại sắp tăng thêm 1.500 tỷ đồng: Phát hành cho ai?

VietTimes -- CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; HoSE: HNG) vừa cho biết, đã nhận được Công văn số 8248/UBCK-QLCB của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc chào bán cổ phần riêng lẻ và vốn hóa nợ của Công ty.
Vốn điều lệ HNG lại sắp tăng thêm 1.500 tỷ đồng: Phát hành cho ai? (Ảnh: Internet)
Vốn điều lệ HNG lại sắp tăng thêm 1.500 tỷ đồng: Phát hành cho ai? (Ảnh: Internet)

Công văn được Vụ trưởng Vụ quản lý chào bán chứng khoán Trương Lê Quốc Công ký ban hành ngày 07/12/2017, song đến ngày 14/12/2017, HNG mới nhận được.

Tại công văn, UBCKNN đề nghị HNG thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ và vốn hóa nợ theo đúng phương án đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ số 1909/17/NQĐHĐCĐ-HAGL Agrico ngày 19/09/2017, Nghị quyết HĐQT số 2209/17/NQHĐQT-HAGL Agrico ngày 22/09/2017 và các quy định của pháp luật; Tuân thủ quy định về đầu tư góp vốn của công ty mẹ, công ty con theo quy định tại Khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp; Việc lựa chọn nhà đầu tư, phân phối cổ phiếu riêng lẻ của HNG phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP.

“Số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP”, công văn nêu rõ.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán và vốn hóa nợ, HNG phải gửi báo cáo kết quả chào bán cho UBCKNN, kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán. Đồng thời, công ty phải công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại ĐHĐCĐ hoặc thuyết minh chi tiết về việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận.

Theo phương án đã duyệt, các nhà đầu tư tham gia đợt chào báo riêng lẻ lần này của HNG sẽ phải thanh toán theo phương thức chuyển khoản, vào tài khoản phong tỏa số 62010001005946 của HNG, lập tại BIDV – Chi nhánh Gia Lai.

Được biết, BIDV chính là chủ nợ lớn nhất của HNG và HAG, với tổng dư nợ lên tới cả chục nghìn tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 3 tháng gửi hồ sơ, HNG đã chính thức được UBCKNN phê duyệt phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và vốn hóa nợ.

Đây là tiền đề quan trọng để HNG cải thiện năng lực tài chính, tái cơ cấu một phần nợ vay – mà không ít trong số đó đã quá hạn.

Tuy nhiên, việc phát hành thêm cổ phần cũng đồng nghĩa rằng cơ cấu sở hữu HNG sẽ tiếp tục được pha loãng. Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ý nghi ngại về bản chất của việc phát hành và cho rằng đó chỉ là một động tác mang nhiều ý nghĩa kỹ thuật.

Phát hành cho ai?

Theo phương án trong Nghị quyết HĐQT, HNG sẽ phát hành tăng vốn theo hai hạng mục riêng biệt: chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược (30 triệu cổ phần); Và phát hành cổ phiếu riêng lẻ để vốn hóa các khoản nợ vay (119,7 triệu cổ phần). Hoàn tất cả hai hạng mục phát hành này, vốn điều lệ HNG sẽ tiếp tục tăng lên 1.500 tỷ đồng.

Tại hạng mục chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phần, danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán đã được xác định, gồm 5 cá nhân - bao gồm nhưng không giới hạn - là: Trần Tiến Thành (10 triệu cổ phần), Nguyễn Hoàng Vũ (5 triệu cổ phần), Nguyễn Thế Nghĩa (5 triệu cổ phần), Nguyễn Trung Thành (5 triệu cổ phần), Nguyễn Cảnh Phúc (5 triệu cổ phần).

Trước đợt chào bán, cả 5 nhà đầu tư cá nhân trên đều không có sở hữu đối với cổ phần HNG. Và dự kiến sau đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu HNG của mỗi người sẽ dao động từ 0,63% - 1,25%. Có nghĩa không ai là cổ đông lớn và không ai bị ràng buộc bởi những quy định công bố thông tin đi kèm.

Ông Trần Tiến Thành (SN 1975) – người đăng ký quy mô lớn nhất trong số 5 nhà đầu tư cá nhân trên, theo tìm hiểu của VietTimes, là chuyên viên phòng kiểm soát nội bộ của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital). Công ty này trước thuộc sở hữu của nhóm ông Đặng Thành Tâm nhưng hiện đã đổi chủ. Giám đốc chiến lược hiện thời của SGI là ông Nguyễn Trung Thành.

Với việc đăng ký nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần HNG, ông Trần Tiến Thành sẽ phải chuyển cho HNG số tiền 100 tỷ đồng. Chưa rõ việc đầu tư này của Thành có phải là cho chính bản thân ông hay không, hay chỉ là nhận ủy thác từ bên thứ ba.

Lưu ý rằng, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu HNG, ông Thành và các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán có thể sẽ hơi thiệt thòi. Bởi lẽ, từ đầu năm 2017 đến nay, HNG phần nhiều được giao dịch dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên gần nhất (14/12), HNG đứng ở 9.560 đồng/cổ phiếu.

Sau khi hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ, HNG dự kiến sẽ thu về 300 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ tài chính (74,4 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty (225,6 tỷ đồng).

Còn tại hạng mục phát hành riêng lẻ 119,7 triệu cổ phần để vốn hóa các khoản nợ vay, danh sách các chủ nợ sẽ được phát hành cổ phiếu HNG gồm: Công ty Cổ phần Hưng Thắng Lợi Gia Lai (23,2335 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Thanh Quang (23,2335 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Mạnh Hùng (23,2335 triệu cổ phiếu); bà Vũ Thị Thúy Hương (23,2335 triệu cổ phiếu).

Trong khi 3 chủ nợ cá nhân đều nhận phát hành số cổ phiếu có giá trị (quy đổi theo giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu) ngang với dư nợ, để tất toán hoàn toàn quan hệ vay nợ với HNG; Thì chủ nợ tổ chức duy nhất – là CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai – lại chỉ nhận tròn 50 triệu cổ phiếu HNG, để xóa cho HNG khoản nợ 500 tỷ đồng. So với số dư nợ tính đến 31/12/2017 là 512,1 tỷ đồng, hai bên sẽ vẫn dây dưa một chút nợ nần.

Thực tế, CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (Hưng Thắng Lợi) mới được thành lập cách đây chưa lâu. Cụ thể là ngày 12/10/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ trồng trọt, với vốn điều lệ ban đầu ở mức 100 tỷ đồng, đóng góp bởi 3 cá nhân: Võ Trọng Hoàng (30 tỷ đồng, 30%); Dương Minh Thành (40%); Cao Vĩnh Tuấn (30%). Công ty do ông Dương Minh Thành (SN 1982) – Giám đốc – làm người đại diện trước pháp luật, đăng ký trụ sở chính tại số 09 Tăng Bạt Hổ, P. Yên Đỗ, Tp. Pleiku; Gia Lai.

Chưa rõ, Hưng Thắng Lợi đã thành chủ nợ của HNG khi nào và bằng cách nào.

Đầu tháng 5/2017, nửa năm sau ngày thành lập, cơ cấu sở hữu Hưng Thắng Lợi được “thay máu” triệt để. Ba cổ đông sáng lập Võ Trọng Hoàng, Dương Minh Thành, Cao Vĩnh Tuấn bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp. Công ty cũng nhanh chóng tăng vốn lên mức 290 tỷ đồng (30/05/2017), rồi 700 tỷ đồng (27/06/2017); rồi 785 tỷ đồng (24/07/2017).

Câu hỏi đặt ra, 3 cổ đông sáng lập đã bán Hưng Thắng Lợi cho ai. Chỉ biết tại báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của HNG, Hưng Thắng Lợi đã trở thành “bên liên quan”. Chốt tại 30/06/2017, “bên liên quan” này đang cho HNG vay ngắn hạn 414,119 tỷ đồng với lãi suất 4,20%/năm, thời gian đáo hạn là 20/06/2018. Tuy nhiên, sự liên quan giữa hai bên là như thế nào thì vẫn là một điều bí ẩn.

Được biết, trung tuần tháng 08 vừa qua, Hưng Thắng Lợi đã chính thức chuyển trụ sở về số 15 Trường Chinh, P. Phù Đồng, Tp. Pleiku, Gia Lai. Địa chỉ này chính là nơi đặt trung tâm điều hành của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Với Hưng Thắng Lợi thì là thế, vậy còn 3 cá nhân - ông Nguyễn Thanh Quang; ông Nguyễn Mạnh Hùng; bà Vũ Thị Thúy Hương – con đường nào đã đưa họ đến với vị thế chủ nợ của HNG?

Câu chuyện này từng được VietTimes đề cập khá chi tiết trong một bài viết cũ: HAG “sạch nợ” với chủ nợ ngoại./.