VNPT chưa thoái được vốn tại Viễn thông Hàng không

VietTimes -- Sở GDCKHN vừa có thông báo hoãn phiên đấu giá bán cổ phần của Công ty Tin học Viễn thông Hàng không (AITS) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT) sở hữu do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có 1 NĐT đăng ký tham gia đầu giá.
Nhiều phiên đấu giá cổ phần các DN do VNPT sở hữu cổ phần buộc phải hủy bỏ vì không có NĐT nào đăng ký tham gia

1 NĐT tham gia đầu giá

Theo dự kiến, ngày 20/4/2017 tới , HNX sẽ tổ chức phiên đầu giá bán hơn 1,3 triệu, tương đương với 22,75%  cổ phần của Công ty Tin học Viễn thông Hàng không do VNPT sở hữu với mức giá khởi điểm dự kiến là 20.700 đồng /cổ phần.

Tuy nhiên, “đến hạn đăng ký và đặc cọc (15h30 ngày 13/4/2017) chỉ có 1 NĐT đăng ký và tham dự đấu giá nên theo quy định tại điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của AITS do VNPT sở hữu và Quyết định 181/QDD0SGDHN ngày 22/3/2017 của Sở GDCK Hà Nội, cuộc đầu giá không đủ điều kiện để tổ chức “- HNX  thông tin.

Chính vì vậy, Sở GDCK Hà Nội quyết định sẽ không tổ chức phiên đầu giá bán cổ phần của AITS do VNPT vào ngày 20/4/2017.

Được biết, CTCP Tin học Viễn thông Hàng không Việt Nam trước đây là Trung tâm thống kê và tin học Hàng không trực thuộc VietNam Airlines, được thành lập năm 2008, công ty này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin viễn thông và xử lý dữ liệu.

Năm 2015, tổng giá trị tài sản của AITS là 189,3 tỷ, giảm 5,19% so với năm 2014. Trong khi đó, doanh thu thuần của DN năm 2015 lại tăng 10,86% lên mức 160,5 tỷ đồng. Năm 2016, AITS đặt kế hoạch doanh thu thuần là 192 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 10 tỷ đồng, cổ tức 6,32%.

Hoạt động kinh doanh chính của AITS là đại lý dịch vụ viễn thông, cung cấp các dịch vụ internet, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, dịch vụ thông tin. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia sản xuất, xây dựng, phát triển, cung cấp, triển khai các sản phẩm, dịch vụ phần mềm và nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chuyển giao các hệ thống thông tin, thương mại điện tử và ứng dụng vào các công nghệ khác.

Khó khăn trong thoái vốn ngoài ngành

Theo chỉ đạo của Chính phủ, VNPT phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành từ năm 2015 nhưng kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành. Nhiều phiên đấu giá cổ phần tại các công ty do VNPT sở hữu bắt buộc phải hủy bởi có rất ít hoặc không có NĐT nào tham gia đấu giá.

Gần đây nhất, ngày 15/3/2017, buổi đấu giá cổ phần của CTCP Đầu tư Xây dựng Viễn thông Đồng Tháp do VNPT sở hữu phải hủy vì không có NĐT nào đăng ký tham dự đấu giá.

Một trường hợp khác là buổi đấu giá 71,5 triệu cổ phần, tương đương với 6,09% vốn cổ phần của MaritimeBank do VNPT sở hữu dự kiến tổ chức ngày 10/32017 cũng phải hủy với lý do tương tự. Nên nhớ, đây là lần thứ 2 VNPT thoái vốn bất thành tại MaritimeBank.

Những trường hợp trên cho thấy, VNPT đang gặp nhiều khó khăn trong việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành.

Lý giải nguyên nhân trên, trong cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2017, Tổng giám đốc VNPT, ông Phạm Đức Long cho biết, DN đã tiếp tục báo cáo về việc gặp khó trong thoái vốn tại các công ty cổ phần và đề xuất Bộ có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ.

Theo ông Long, từ năm 2016 VNPT đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như giao quyền cho doanh nghiệp chủ động trong việc đàm phán giá với nhà đầu tư khi bán cổ phần, rút ngắn số lần tổ chức chào bán trong khi vẫn đảm bảo các quy định về giá chào bán.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể thực hiện chào giá tối đa 3 lần, giá chào lần sau giảm tối đa 10% so với giá chào lần đầu. Chính vì vậy, dựa theo tình hình, các nhà đầu tư nếu muốn mua sẽ đợi lần chào giá thứ 3 để được giá tốt nhất. Điều đó làm kéo dài thời gian và thủ tục bán đấu giá.

Tính đến 15/10/2016, VNPT đã hoàn thành thoái vốn được 16 danh mục. Tổng giá trị đầu tư thu về là 1.043 tỷ đồng trên Vốn đầu tư sổ sách là 602 tỷ đồng, đạt tỉ lệ giá trị đầu tư thu về/vốn đầu tư trên sổ sách là 173%. Hiện VNPT vẫn còn còn 52 danh mục phải thoái vốn bao gồm 16 danh mục thoái vốn theo phương thức tích tụ và 36 danh mục là thoái vốn theo phương thức trực tiếp: khớp lệnh/thỏa thuận/đấu giá/sáp nhập/giải thể/phá sản.

VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 đơn vị khác theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.