VNG lỗ quý thứ 4 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – VNG kéo dài mạch thua lỗ 4 quý liên tiếp với khoản lỗ sau thuế 254,5 tỉ đồng trong quý 3/2022. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào chủ sở hữu ZaloPay tại thời điểm 30/9/2022 là 2.269,3 tỉ đồng.
9 tháng đầu năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.763,9 tỉ đồng, lỗ sau thuế ở mức 764,4 tỉ đồng
9 tháng đầu năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.763,9 tỉ đồng, lỗ sau thuế ở mức 764,4 tỉ đồng

CTCP VNG (VNG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 2.099,8 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, VNG báo lãi gộp 942,9 tỉ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý 3/2022, doanh thu hoạt động tài chính của VNG đạt 23,1 tỉ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức 7,4 tỉ đồng trong quý 3/2021 xuống còn 0,69 tỉ đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG lần lượt tăng 12,2% và 29,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 714,8 tỉ đồng và 380,1 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, VNG còn chịu khoản lỗ 27,6 tỉ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỉ đồng. Trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý 3/2022 ở mức 254,5 tỉ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của ‘kỳ lân’ công nghệ này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của VNG đạt 5.763,9 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 56,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 764,4 tỉ đồng; lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỉ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, quy mô tổng tài sản của VNG đạt 9.189,4 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư nắm giữ đáo hạn của VNG chiếm 35,7% tổng tài sản, đạt 3.286,2 tỉ đồng, giảm 34,8% so với đầu năm và giảm 7,8% so với thời điểm cuối quý 2/2022.

‘Núi tiền’ của VNG bao gồm 1.338,8 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng; 1.084,2 tỉ đồng tiền gửi kỳ hạn gốc không quá 3 tháng, hưởng lãi suất đến 5,4%/năm; và 837,6 tỉ đồng tiền gửi kỳ hạn còn lại dưới 1 năm, hưởng lãi suất đến 5,6%/năm.

Trên báo cáo tài chính riêng lẻ, khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết được VNG ghi nhận tại ngày 30/9/2022 đạt 4.442,2 tỉ đồng, tăng 73,9% so với đầu năm.

Trong đó, khoản đầu tư vào CTCP Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay – chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư lên tới 2.561,5 tỉ đồng, tăng 680,4 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, VNG đã phải trích lập dự phòng 2.269,3 tỉ đồng cho khoản đầu tư này, tăng 214,2 tỉ đồng so với thời điểm cuối quý 2/2022.

Bên cạnh thương vụ đầu tư trên, VNG còn góp vốn vào Telio (515,2 tỉ đồng), Funding Asia Group (512,5 tỉ đồng), CTCP DayOne (138,1 tỉ đồng) và CTCP Công nghệ Ecotruck (131,6 tỉ đồng). Tại ngày 30/9/2022, tổng dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cho các khoản đầu tư này là 81 tỉ đồng./.