Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 12/2021, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá động lực tăng trưởng ngắn hạn cho chỉ số VN-Index là khá hạn chế nếu chỉ xét trên yếu tố lợi nhuận.
Hiện tại, hệ số định giá P/E (trượt 4 quý gần nhất) của VN-Index ghi nhận ở mức 17,1 lần - ngang bằng mức P/E ước tính cho năm 2021 - cho thấy triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chung trong quý 4 đã chậm lại đáng kể so với các quý trước.
Với nhóm ngân hàng, các mảng hoạt động chính dự báo sẽ tiếp tục có sự hồi phục tốt so với mức thấp của quý 3/2021. Tuy nhiên, do nền tảng so sánh cao của quý 4/2020 nên mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của cả nhóm so với cùng kỳ sẽ chỉ ở mức thấp trước áp lực dự phòng vẫn còn tương đối lớn và quy mô dư nợ tái cơ cấu tăng lên.
Ở phần còn lại của thị trường, triển vọng tăng trưởng vượt trội hơn mặt bằng chung vẫn ghi nhận đáng kể ở một số ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa hoặc hoạt động xuất khẩu tăng mạnh như sắt thép, phân bón, đường, hóa chất, thủy sản hay cảng biển và logistics.
Cập nhật số liệu tháng 11, SSI nhận thấy bức tranh vĩ mô vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho kênh chứng khoán với lạm phát kiểm soát, tỉ giá ổn định và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng. Trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về chương trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 trong bối cảnh bức tranh vĩ mô quý 4 có thể gặp nhiều thách thức.
SSI đánh giá đây là giai đoạn thích hợp để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. P/E năm 2022 của nhóm doanh nghiệp đại diện khoảng 80% vốn hóa HoSE hiện đang ở mức 13,75 lần là mức rất hấp dẫn.
Nhóm phân tích cũng cho rằng sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể là rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn nhưng lại là cơ hội rất tốt trong dài hạn khi các hãng dược lớn đều khẳng định có thể sản xuất vaccine mới trong vòng 3 tháng, làm giảm thiểu khả năng các đợt lock-down kéo dài trên diện rộng.
Theo SSI, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục giảm để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.423 điểm trước khi quay lại hướng lên vùng đỉnh cũ 1.511 điểm trong tháng cuối năm 2021.
Khối ngoại bán ròng 8.900 tỉ đồng trong tháng 11/2021
Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 11/2021, nhóm quỹ ETF đã mua ròng khoảng 370 tỉ đồng, trong đó có sự đóng góp lớn từ nhóm quỹ nội như VFM VNDiamond và SSIAM VNFIN Lead.
Tuy nhiên, sang 2 tuần cuối cùng của tháng 11, dòng vốn ETF đã quay lại rút ròng 626 tỉ đồng, nâng tổng rút ròng trong tháng vào khoảng 255 tỉ đồng. Các quỹ mua ròng tích cực là VFM VNDiamond (536 tỉ đồng), SSIAM VNFIN Lead (221 tỉ đồng) và Premia Vietnam (55 tỉ đồng), trong khi các quỹ ghi nhận mức rút ròng cao nhất là Fubon (432 tỉ đồng) và VFM VN30 (396 tỉ đồng).
Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng có diễn biến tương tự khi mua ròng 125 tỉ đồng trong 4 tuần đầu và rút ròng 188 tỉ đồng trong tuần cuối tháng. Tính chung tháng 11, các quỹ chủ động đã rút ròng 63 tỉ đồng – mức rút ròng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong tháng 11/2021, khối ngoại bán ròng với tổng giá trị là 8.908 tỉ đồng – cao hơn gần 500 tỉ đồng so với tháng 10. Tổng lượng bán ròng trong 11 tháng đầu năm là 57.700 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng hơn 16.000 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của SSI, 3 mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất tháng 11 lần lượt là SSI, VPB và HPG với tổng giá trị bán ròng lên đến 5.303 tỉ đồng. Theo sau đó là nhóm NLG, PAN, NVL, VIC, HCM, HSG và VNM với tổng giá trị bán ròng khoảng 5.144 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng vẫn được khối ngoại ưa thích khi 3 mã CTG, STB và VCB nằm trong nhóm được mua ròng nhiều nhất với tổng giá trị 2.240 tỉ đồng. VHM cũng được mua ròng với giá trị 744 tỉ đồng./.