Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hơn 840.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo TS. Cấn Văn Lực, để có nguồn lực cho các gói hỗ trợ, cần chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách 2022 – 2023. Nếu dòng tiền đổ vào những lĩnh vực sản xuất, có hiệu quả, thì tác động lạm phát là không lớn.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững"

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững"

Đề xuất trên được TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đại diện nhóm nghiên cứu Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" diễn ra vào sáng nay (5/12).

Theo TS. Cấn Văn Lực, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục theo hình chữ U thay vì chữ V như nhiều nước. Để hỗ trợ nền kinh tế, Việt Nam đã sử dụng các chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô khoảng 4% GDP, thấp hơn so với các nước. Nhiều nước sử dụng chính sách tài khoá làm chủ lực, đi kèm là chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, có hiệu quả.

"Nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt, không có gói kích thích tài khoá và tiền tệ, Việt Nam sẽ lỡ cơ hội, tụt hậu và không đạt mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm", ông Lực nói.

Theo nhóm chuyên gia, nếu không có gói hỗ trợ kinh tế, năm 2022, GDP Việt Nam có thể chỉ tăng từ 4-4,5%; lạm phát tăng 3,4 – 3,7% (từ 2% của năm 2021). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với các rủi ro từ đại dịch Covid-19 còn phức tạp, lạm phát và giá cả hàng hoá tăng, trong khi các nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ (tapering) và tăng lãi suất.

Do đó, nhóm chuyên gia đã đề xuất gói hỗ trợ lên tới 843.845 tỉ đồng, tương đương 10,38% GDP 2021, trong đó chủ yếu là chính sách tài khoá lên tới 678.395 tỉ đồng.

Các chính sách hỗ trợ cần có tác động tới cả tổng cung và tổng cầu; có thể triển khai ‘nhanh, gọn, hiệu quả’. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 – 2023, chia làm 3 giai đoạn: chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế (hết quý 2/2022), tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý 3/2023), kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý 4/2023).

Nhóm chuyên gia cho rằng, dư địa mở rộng chính sách tài khoá là vẫn còn và có phần thuận lợi hơn so với chính sách tiền tệ khi các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP) vẫn trong ngưỡng an toàn.

Cụ thể, nhóm chính sách tài khóa tập trung vào việc giảm thuế VAT từ 1-2%; bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; gói hỗ trợ lãi suất từ 20.000 – 30.000 tỉ đồng. Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhóm chuyên gia đề xuất tăng mức đầu tư lên 150.000 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm, khả thi, đã xong thủ tục pháp lý.

Đề xuất các gói hỗ trợ tài khoá của nhóm chuyên gia

Đề xuất các gói hỗ trợ tài khoá của nhóm chuyên gia

Về chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia đề xuất tiếp tục thực hiện Thông tư 14 (có thể gia hạn nếu cần); phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023; nghiên cứu giữ nguyên tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; nghiên cứu luật hoá xử lý nợ xấu.

Nhóm chuyên gia cũng đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, chính sách để tăng khả năng hấp thụ, cùng với việc giám sát, kiểm soát rủi ro. “Nếu dòng tiền đổ vào những lĩnh vực sản xuất, có hiệu quả, thì tác động tới lạm phát trong các năm tới là không lớn”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.

Về nguồn lực cho các gói hỗ trợ, nhóm chuyên gia cho rằng, cần chấp nhận mức thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2023; cùng với việc tiết giảm chi phí, phát hành trái phiếu chính phủ./.