|
Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Thông tin trên được GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam - đưa ra tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, ngày 28/4.
Đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Bộ Y tế có nhiệm vụ đảm bảo an toàn tiêm chủng, tìm kiếm nguồn vaccine. Thời gian qua, hơn 260.000 lượt tiêm vaccine phòng COVID-19 đã đạt được những kết quả to lớn. Các địa phương đã thực hiện hướng dẫn tiêm chủng an toàn đối với từng đối tượng. Để đẩy mạnh công tác tiêm chủng an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sàng lọc trước tiêm nhằm tăng cường độ bao phủ tiêm chủng, xử lý kịp thời các sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh công tác tiêm chủng vaccine, Bộ Y tế còn tiếp tục cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19.
“Trong tháng 5 tới, một số tỉnh, thành sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trạm y tế xã. Vì thế, công tác đảm bảo an toàn sau tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng. Các cơ sở y tế cần nắm rõ những phản ứng bất lợi có thể xảy ra sau tiêm để đưa ra biện pháp xử trí kịp thời” – ông Sơn nói.
|
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý) |
Thông tin về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - lo ngại: Nước ta đang đứng trước thách thức lớn khi làn sóng dịch COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống dịch. Thời gian qua, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đưa ra nhiều hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 qua hệ thống Telehealth.
Hiện, các bệnh viện đang điều trị cho 272 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Qua phân tích, nhóm người bệnh không có biểu hiện lâm sàng chiếm 80,5%, người có biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 18%. Mới đây, các chuyên gia đã phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở những người trẻ và cả những người mắc bệnh nặng.
|
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý) |
Về vấn đề bảo đảm an toàm tiêm chủng và vaccine phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: “Nước ta đang bước sang giai đoạn đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên thế giới đã có những trường hợp gặp phản ứng sau tiêm nên Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng. Đây là một trong những điều kiện để triển khai tiêm chủng an toàn ở nước ta. Các tỉnh phải thành lập các ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng, phát hiện sớm những trường hợp có phản ứng nặng”.
Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng có nhiệm vụ chính là cập nhật, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19; xây dựng hướng dẫn xử trí kịp thời sự cố bất lợi sau tiêm; xử trí cấp cứu kịp thời sự cố bất lợi; đào tạo, tập huấn, nghiên cứu đánh giá điều trị các ca bệnh có sự cố bất lợi và giám sát, đánh giá việc tiêm vaccine.
Hết sức cảnh giác với đường lây và biến thể của SARS-CoV-2
Thông tin về những điểm mới của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam – cho hay: Phiên bản thứ 5 của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 được cập nhật và đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đã có vaccine để dự phòng, đồng thời, tiếp cận được tài liệu về cơ chế bệnh sinh và hiệu quả điều trị COVID-19 trên thế giới.
Theo ông Kính, đến nay, nước ta đã trải qua 3 làn sóng dịch COVID-19 và đang đứng trước thách thức, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4 khi các nước bạn đang bùng phát dịch COVID-19, có những ca mắc COVID-19 mang biến thể mới nhập cảnh vào Việt Nam.
|
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý) |
Hiện, đột biến kép B1617 của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ đang biến đổi rất nhanh và gây tử vong cao. Vì thế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang giải trình tự gen một số bệnh nhân để xem xét có phải chủng đột biến kép ở Ấn Độ hay không. Thực tế, có tới 80% ca bệnh nặng xuất hiện hội chứng rối loạn đông máu. Nếu không kiểm soát thì sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Về đường lây của COVID-19, GS. TS. Nguyễn Văn Kinh khẳng định: “Virus SARS lây qua đường không khí, giọt bắn. Vì thế, càng tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm càng lớn. Không chỉ vậy, virus còn lây nhiễm khi người bình thường tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc với dịch cơ thể đờm, khi chăm sóc bệnh nhân”.
Do đó, trong quá trình điều trị, các bác sĩ phải đi trước một bước, phát hiện các triệu chứng sớm để cứu sống bệnh nhân khi mắc COVID-19.
đã xuất hiện biểu hiệu chủ quan trong công tác khám, sàng lọc ban đầu. Vì thế, các cơ sở y tế phải siết chặt lại, đồng thời, chuẩn bị giường hồi sức cấp cứu.
Chia sẻ về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, ông Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết không có loại vaccine nào an toàn 100%. Đối với vaccine phòng COVID-19, điểm đặc biệt cần quan tâm là huyết khối và rối loạn đông máu.
Đến chiều qua (ngày 28/4), cả nước đã tiêm vaccine cho 300.000 người ở 47 tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, các cơ sở y tế chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm nhưng vẫn phải theo dõi sát tất cả những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, kết luận hội nghị, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Sắp tới, các địa phương phải tiếp tục đoàn kết, đồng lòng để phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục xây dựng các kịch bản để "chiến đấu" với COVID-19 với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.