Tái xuất lừa đảo bằng VoIP. (Ảnh minh họa: DVT) |
Thông báo số 54/TB-CAT-PA03 của Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền trong cơ quan, đơn vị để cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và nhân dân biết về phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản từ đó nâng cao cảnh giác.
Văn bản vừa ban hành nêu rõ: theo thông báo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, qua công tác nghiệp vụ phát hiện, từ giữa tháng 10 đến nay, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia bằng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Đã có nhiều người bị hại với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Các đối tượng sử dụng công nghệ VoIP đế gọi điện, giả danh những cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...) và thông báo người dân có liên quan đến một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền...).
Các đối tượng này làm giả lệnh bắt, khởi tố của Cơ quan Công an để đe dọa. Sau đó, yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp.
Sau khi cài đặt, giao diện ứng dụng có hình ảnh “Công an hiệu” kèm chữ “Bộ Công an” có các trường thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số CMND... Cùng với đó, các quyền quan trọng trên thiết bị như: nhận, đọc, soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị; bật tắt mạng Internet, truy cập Wi-Fi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi; đọc, ghi bộ nhớ; thông tin thiết bị di động... đều bị các đối tượng kiểm soát.
Đặc biệt, mọi hoạt động tin nhắn, gọi điện trên thiết bị di động của nạn nhân đều được gửi về máy chủ của đối tượng mà nạn nhân không hề hay biết.
Theo đó, các đối tượng thường sử dụng các phương thức yêu cầu bị hại tự nhập thông tin tài khoản, mật khẩu vào các trường thông tin trong ứng dụng “Bộ Công an” toàn bộ dữ liệu này lập tức được chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý. Trên cơ sở đó, các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Yêu cầu bị hại tự đăng ký các tài khoản ngân hàng mới do bị hại đứng tên, rút tiền của tài khoản khác để nộp vào tài khoản mới, hoặc yêu cầu bị hại tất toán các sổ tiết kiệm, các khoản đầu tư..., chuyển vào tài khoản mới lập trên.
Khi đó, các đối tượng sẽ theo dõi mọi phát sinh của thiết bị di động của nạn nhân, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch... và thực hiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an cho biết đây là hoạt động tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ, trong đó, các đối tượng người nước ngoài giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Các đối tượng người Việt Nam chỉ được thuê để tìm kiếm danh sách bị hại, gọi điện lừa đảo, thu mua tài khoản ngân hàng rác phục vụ hoạt động nhận, chuyển tiền phạm pháp. Dòng tiền lừa đảo thường được chia nhỏ, luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, nhiều ngân hàng khác nhau để gây khó khăn trong việc điều tra, xác minh của lực lượng chức năng. Sau đó, thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số (Binance, Remitano, Bitcoin...) hoặc các dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp tại các tỉnh giáp biên giới để chuyển tiền qua nước ngoài nhanh chóng.
Công an tỉnh thông báo đến các cơ quan, đơn vị biết và chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tấn công mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng. Thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền trong cơ quan, đơn vị để cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên biết về phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản từ đó nâng cao cảnh giác, không nghe theo các đối tượng và báo nay cho cơ quan công an khi các đối tượng liên hệ, đe dọa.
Theo ICTNews