Theo đó, ngày 26/02/2016, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã thay mặt HĐQT ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐQT-VINGROUP thông qua việc tăng vốn điều lệ do phát hành thêm cổ phần để chuyển đổi Trái phiếu quốc tế thành cổ phần (Đợt 76-89).
Phần vốn điều lệ tăng thêm, theo công bố của VIC, là 464.519.290.000 VNĐ, qua đó đưa vốn điều lệ của Vingroup lên mức 19.398.548.510.000 VNĐ.
Thời điểm thay đổi vốn là ngày 25/02/2016.
Cùng ngày 26/02/2016, Vingroup cũng đã có công văn số 138/2016/CV-TGĐ-VINGROUP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành từ 1.893.402.922 lên thành 1.939.854.851 cổ phiếu.
Việc tăng vốn điều lệ ở Vingroup, theo thông tin trong Nghị quyết số 06, cũng làm thay đổi cơ cấu góp vốn của các cổ đông.
Trong đó, tổng số cổ phần sau khi tăng vốn điều lệ mà cổ đông sáng lập Phạm Hồng Linh nắm giữ là 7.373.208 đơn vị, tương ứng tỷ lệ góp vốn 0,38%. Các cổ đông còn lại nắm giữ 1.932.481.643 cổ phần, tương ứng tỷ lệ góp vốn 99,62%.
Được biết bà Phạm Hồng Linh (sinh năm 1965) là chị gái bà Phạm Thu Hương (sinh năm 1969), phu nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup.
Ngoài bà Hương, bà Linh còn có một người em gái khác cũng nắm vai trò chủ chốt trong ban lãnh đạo Vingroup là Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (sinh năm 1974).
Thời gian gần đây, Vingroup liên tục thực hiện phát hành thêm cổ phần phổ thông để chuyển đổi Trái phiếu quốc tế và tăng vốn điều lệ.
Có thể kể như lần chuyển đổi 146 tỷ đồng trái phiếu đợt 70 và 71 vào ngày 26/01, hay gần đây nhất là lần chuyển đổi 106 tỷ đồng trái phiếu đợt 72-75 vào ngày 05/02/2016.
Liên quan đến câu chuyện trái phiếu ở Vingroup, Tập đoàn này cũng vừa công bố đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước có lãi suất cố định, không có tài sản đảm bảo.
Trái phiếu có hai kỳ hạn 5 năm và 10 năm với lãi suất lần lượt là 7,75% và 8,5% được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF, một quỹ ủy thác của Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB).
Trái phiếu gồm 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lãi suất cố định, không có tài sản đảm bảo, với tổng giá trị trái phiếu phát hành là 3.000 tỷ đồng, được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility, “CGIF”), một quỹ ủy thác của Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB).
Trái phiếu có lãi suất cố định là 7,75% và 8,5% cho kỳ hạn 5 năm và 10 năm, là nguồn vốn dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đáng chú ý khi đây là lần đầu tiên CGIF bảo lãnh thanh toán cho một doanh nghiệp trong ngành Bất động sản tại khối ASEAN và là giao dịch lớn nhất của CGIF tại Việt Nam tính đến nay. Và cũng đồng thời là giao dịch đầu tiên có nhiều kỳ hạn khác nhau của CGIF.
Ninh Giang