Vingroup đầu tư vào công nghệ cao: Khát vọng và thách thức

VietTimes – Tháng 8 vừa qua, tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 50 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn này cũng công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Như vậy, sau những thành công về bất động sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, siêu thị bán lẻ… Vingroup đã chính thức tuyên bố bước chân vào thị trường khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup: Slogan của chúng tôi là "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp"

Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Trước câu hỏi của báo chí là vì sao Vingroup lại dấn thân vào một mảng hoạt động mà nền tảng kinh nghiệm gần như bằng 0, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup  cho biết, rất đơn giản vì slogan của Vingroup là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Trong 25 năm phát triển của mình, Vingroup chưa bao giờ dừng lại. Còn vì sao lại chọn công nghệ - công nghiệp? Nguyên nhân vì đây không chỉ là con đường ngắn nhất mà còn là tốt nhất để có thể phát triển đột phá.

Vingroup sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và các sản phẩm điện thông minh – gia dụng. Dự kiến cuối năm 2018, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng, tạo cơ chế phát triển, các viện nghiên cứu, các quỹ hỗ trợ… nhằm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển công nghệ vật liệu, sản xuất phần mềm.

Ông Nguyễn Việt Quang cũng cho biết, ngoài việc “đặt hàng” 50 trường đại học để có được 100.000 kỹ sư công nghệ trình độ cao trong 10 năm tới, Vingroup cũng sẽ tiếp tục làm việc với các trường trung cấp để đào tạo thêm các kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ ở mức độ đơn giản hơn.

Không chỉ dựa vào nguồn chuyên gia trong nước, Vingroup đang có những chính sách hấp dẫn để chiêu hiền, đãi sĩ với đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài. Điển hình là GS Vũ Hà Văn ở Mỹ đã nhận lời làm Giám đốc Khoa học cho Viện Dữ liệu lớn và GS Nguyễn Quốc Sỹ ở Nga đã nhận lời làm Viện trưởng Viện Công nghệ cao Vin-Hitech của Vingoup.

Những nhà khoa học đầu quân cho Vingroup nói gì?

Chính thức nhận lời mời của Vingroup, GS Vũ Hà Văn cho biết, đây là câu chuyện khá thú vị và bất ngờ với chính cá nhân ông. Nói về việc phải có một quỹ đầu tư để tài trợ cho các nghiên cứu khoa học, GS Vũ Hà Văn đã đề nghị con số 100 tỷ đồng song ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup lại gợi ý con số gấp 10 lần như thế. Khoản tiền này cũng là một món tiền lớn và cần được dùng một cách thận trọng mới mang lại được lợi ích. Tài trợ của Chính phủ Việt Nam cho khoa học cũng là nhiều nghìn tỷ song hiệu quả cũng là vấn đề. Còn ở Mỹ, chưa tính tới các tổ chức tư nhân, hàng năm Chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 170 tỷ USD.

 GS TS Vũ Hà Văn (bên phải) và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ảnh: báo Thanh Niên. 

Ở Mỹ, việc một doanh nhân tài trợ hàng chục triệu USD cho các trường đại học là điều thường xuyên diễn ra. Bản thân ghế giáo sư của ông Vũ Hà Văn tại ĐH Yale cũng mang tên một nhà tài trợ. Còn ở Việt Nam có được người tiên phong là tốt quá. Hy vọng, sẽ ngày càng có nhiều doanh nhân đầu tư hỗ trợ khoa học như vậy.

Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học không thể mang tầm nhìn ngắn hạn bởi lợi nhuận không thể tính bằng năm được mà phải tính hàng chục năm. Nếu có những doanh nghiệp đầu tư với tầm nhìn dài hạn như vậy thì đó là điều hay.

Song GS Vũ Hà Văn cũng thừa nhận là các nhà khoa học có thể rất giỏi chuyên môn nhưng lại là những nhà quản lý tồi. Chính ông Phạm Nhật Vượng cũng thừa nhận như vậy và điều đó sẽ được khắc phục bởi đội ngũ quản lý của Vingroup. Ngay cả khi những người dưới mình là các nhà khoa học giỏi thì vẫn phải quản lý họ theo một phương pháp nào đó để họ làm việc theo một tiến trình nhất định.

Còn với GS TS Nguyễn Quốc Sỹ, ông đã gác lại phía sau sự nghiệp 30 năm nghiên cứu tại Nga để đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech. Gia nhập Vingroup,ông phải về nước để làm việc toàn thời gian.

 GS TS Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Vin-Hitech. Ảnh: Infonet

“CNTT có thể cho phép làm việc từ rất xa, nhưng khi tổ chức các đồ án khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học phải ngồi lại cùng nhau chứ không thể làm từ xa được. Do đó tôi cũng như các cán bộ chủ chốt, lãnh đạo, chuyên gia cũng sẽ phải làm việc toàn thời gian tại đây”, ông Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định Việt Nam đang ở vùng trũng của KHCN, thậm chí còn đi sau nhiều nước. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ trí thức, đạt được các thành tựu KHCN cao để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho Việt Nam sẽ rất nặng nề.

“Chúng ta thiếu nhiều nhà khoa học cao cấp để có thể dẫn dắt, làm việc, tạo ra sản phẩm KHCN cao cấp cho đất nước. Ngoài ra phải làm việc với cường độ cao. Nhiều khi chúng tôi thường nói không phải làm việc 100% mà phải bằng 150% sức mình, khi đó tri thức không đủ mà cần có lòng yêu nước”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nói.

Tuy nhiên ở vùng trũng nhưng không phải là không thể tiến nhanh và tiến mạnh về KHCN. Việt Nam có thể đi tắt đón đầu nhưng đi thế nào còn phụ thuộc đặc thù của quốc gia, không phải cứ muốn là làm được.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi lên bằng công nghệ cao là đúng đắn. Tuy nhiên, đi con đường thế nào, nguồn lực ra sao, bằng phương pháp gì… chính là đồ án lớn cần phải suy xét.

“Chúng tôi biết làm KHCN không thể đem lợi nhuận nhanh chóng được. Nhưng với phương pháp tiếp cận hiện nay, với chiến lược phát triển cùng quyết tâm từ lãnh đạo cho tới các cán bộ thực thi, chúng tôi có niềm tin rất lớn Vingroup sẽ thành công, trở thành tập đoàn công nghệ đầu đàn của Việt Nam, vươn ra thế giới”, Viện trưởng Vin Hi-Tech Nguyễn Quốc Sỹ bày tỏ.

Khách quan nhận xét, ThS Đào Kiến Quốc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Vingoup có lợi thế khi đầu tư vào KHCN vì có tiềm lực tài chính rất mạnh. Tuy nhiên, với tham vọng tuyển đến 100.000 nhân lực KHCN trong 10 năm tới thì đó là thách thức không nhỏ. Hiện tại, một tập đoàn công nghệ như FPT cũng chỉ có tổng số nhân lực khoảng 13.000 mà trong đó, tổng số nhân lực KHCN trong đó cũng chỉ cỡ 8.000 - 9.000 và còn lại là đội ngũ quản lý, tài chính, truyền thông...  Vì thế, để thành công thì Vingroup không chỉ cần mời được các nhà khoa học hàng đầu tham gia công việc của mình mà còn phải có được những đội ngũ quản trị KHCN có đủ trình độ cần thiết. 

GS TS Vũ Hà Văn sinh năm 1970, hiện đang làm giáo sư toán học ở Đại học Yale (Mỹ). Ông đã đoạt giải Pólya (SIAM) năm 2008 của Hội Công nghiệp và Toán học ứng dụng Hoa Kỳ cho công trình nghiên cứu về tập trung độ đo (concentration of measure).

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được cấp học bổng sang học ở Hungary. Lúc đầu, học khoa điện tử, nhưng sau một năm rưỡi chuyển sang học toán học ở Đại học Eötvös Loránd và đỗ cử nhân toán học năm 1994.

Ông đỗ bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư László Lovász. Sau thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft, từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở Đại học California tại San Diego, trong chức vụ phụ tá giáo sư, phó giáo sư rồi giáo sư (full professor). Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers và từ năm 2011 là Giáo sư Đại học Yale (nơi bảo vệ luận án tiến sĩ, năm 1998). Anh cũng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 6 năm 2006.

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Trường Đại học Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Giám đốc Phòng thí nghiệm vật lý Plasma.

Ông đã có hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma.

Ông từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012.

Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…