|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Thống kê của VietTimes cho thấy, trong tháng 11/2019, VinFast đã thực hiện 45 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá là 5.415 tỷ đồng.
Riêng các lô được ký hiệu “VF11202201”, “VF11202206” và “VF11202207” có mệnh giá cao nhất, với 475 tỷ đồng/đợt. Các lô còn lại có giá trị theo mệnh giá là 95 tỷ đồng.
Toàn bộ số trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán và không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các trái phiếu đều có kỳ hạn 36 tháng, dự kiến đáo hạn vào năm 2022.
Mức lãi suất cho năm đầu tiên đối với tất cả các lô trái phiếu đều ở mức 10%/năm. Lãi suất cho năm tiếp theo được thả nổi, tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với 4%/năm.
Kết quả 7 đợt phát hành trái phiếu của VinFast vừa được HNX công bố cho thấy, hầu hết các đợt phát hành trái phiếu diễn ra khá thuận lợi và được hoàn tất từ 26 - 29/11/2019 với trái chủ là nhà đầu tư tổ chức không được tiết lộ danh tính. Chỉ riêng có đợt phát hành trái phiếu mã VF11202207, VinFast phát hành được 95 tỷ đồng thay vì 475 tỷ đồng theo kế hoạch trước đó.
|
Danh sách rút gọn một số đợt phát hành trái phiếu của VinFast
|
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lý lưu ký và làm đại diện cho người sở hữu trái phiếu. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là tổ chức quản lý tài khoản. Ngoài ra, thương vụ còn có sự tham gia của một công ty tư vấn luật.
Bước sang tháng 12, tính tới ngày 6/12/2019, VinFast tiếp tục thông báo về 19 đợt phát hành trái phiếu mới, có nhiều đặc điểm tương đồng với mã trái phiếu đã đổi thành “BONDVFS”. Trong đó, hầu hết các lô trái phiếu có mệnh giá 95 tỷ đồng, trừ lô trái phiếu mã “BONDVFS461922” và “BONDVFS521922” có giá trị theo mệnh giá là 475 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 9/2019, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (Công ty mẹ của VinFast) đã thông qua việc bảo lãnh thanh toán liên quan đến trái phiếu mà VinFast dự kiến phát hành trong năm 2019 với tổng mệnh giá tối đa là 5.000 tỷ đồng.
Tới tháng 11/2019, Vingroup tiếp tục công bố thông tin cho biết sẽ là đơn vị bảo lãnh thanh toán cho VinFast liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay/khoản tín dụng trong và ngoài nước mà VinFast dự kiến thực hiện trong năm 2019 - 2020. Tổng hạn mức tối đa lên tới 30.000 tỷ đồng.
Mới đây, TCBS đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc phê duyệt hạn mức rủi ro đối với VinFast trong nghiệp vụ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, hạn mức đầu tư tăng từ 950 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng theo mệnh giá.
Trong đó, hạn mức trading tăng từ 650 tỷ đồng lên mức 2.000 tỷ đồng mệnh giá, hạn mức kinh doanh thường xuyên (nắm giữ đến ngày đáo hạn) tăng từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng mệnh giá, với điều kiện các giao dịch mua bán từng lần nhỏ hơn 20% tổng tài sản được ghi nhận trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.
Được biết, tháng 9/2017, Vingroup đã khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast, với tổng mức đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD, thể hiện tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp./.