Viettel Global: Báo cáo tài chính chưa “đẹp”, bởi khoản lỗ kế hoạch ở thị trường Myanmar

VietTimes -- Năm 2018, Viettel Global bất ngờ ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết lên tới 1.419 tỷ đồng (trong khi năm 2017 lãi 439 tỷ đồng), cùng với sự giảm sút nguồn thu góp phần dẫn đến kết quả lỗ ròng 1.070,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước. Nhưng đổi lại, họ đã có vị thế nhà mạng top 3 ở thị trường chiến lược Myanmar - chỉ sau 6 tháng hoạt động.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã CK: VGI) ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 16.866 tỷ đồng, giảm 11,3% so với năm 2017.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong năm 2018 giảm tới 20,53% so với năm trước, đạt mức 11.554 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho lợi nhuận gộp của VGI đạt 5.312 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước (tương ứng với biên lợi nhuận gộp đạt 31,5%).

Về hoạt động tài chính, cả doanh thu và chi phí của VGI trong năm 2018 đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh, với giá trị lần lượt đạt 1.578 tỷ đồng (- 47%) và 1.920 tỷ đồng (- 45%). Trong đó, riêng chi phí lãi vay trong năm 2018 đạt 942 tỷ đồng, tăng 36,3% so với năm 2017.

Các chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp của VGI có chuyển biến khá tích cực với giá trị ghi nhận giảm so với năm 2017.

Tuy nhiên, trong năm 2018, VGI bất ngờ ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết lên tới 1.419 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 439 tỷ đồng). Theo thuyết minh của VGI, doanh thu của các công ty liên kết trong năm 2018 đã tăng gần gấp 2 lần so với năm trước, đạt 6.020 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ lên tới 2.896 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 896 tỷ đồng).

Khoản lỗ từ công ty liên kết đã góp phần khiến cho VGI ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh là 157 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp này có lãi.

Sau khi trừ đi các chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, VGI báo lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 1.070,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước (lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.079,9 tỷ đồng). Mức lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt âm 447 đồng.

Chia sẻ kỹ hơn, đại diện VGI cho hay, khoản lỗ của tập đoàn chủ yếu đến từ việc đưa vào hợp nhất kết quả kinh doanh ở thị trường Mymanmar. Nhưng ông cũng nói rõ, khoản lỗ này là "lỗ kế hoạch". Theo đó, trong điều kiện tương đương năm 2017, loại trừ khoản lỗ kế hoạch của thị trường Myanmar, lợi nhuận của Viettel Global trong năm 2018 có thể đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Nên biết, dù mới đi vào hoạt động nhưng Myanmar là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel Global.

"Chỉ sau hơn 6 tháng khai trương, Mytel – thương hiệu của Viettel tại đây, đạt vượt mốc 5 triệu thuê bao – con số mà tất cả các thị trường trên toàn cầu bao gồm cả Việt Nam phải mất nhiều năm mới có được. Đến tháng 4/2019, Mytel đã vươn lên vị trí top 3 nhà mạng lớn nhất tại Myanmar, chiếm 14% thị phần chỉ trong thời gian 8 tháng kinh doanh. Mytel cũng là hiện tượng tăng trưởng của ngành viễn thông toàn cầu", vị này thông tin và cho hay: Theo dự kiến, Mytel sẽ có lãi trong năm 2019 và hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.

Động lực ASEAN

Về cơ cấu doanh thu theo khu vực địa lý, thị trường Đông Nam Á tiếp tục dẫn đầu với 9.638 tỷ đồng, Châu Phi với 7.134,8 tỷ đồng và Châu Mỹ La-tinh với 2.288 tỷ đồng. Trong khi thị trường Đông Nam Á và Châu Mỹ La-tinh đều báo lãi, riêng thị trường Châu Phi ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 2.813 tỷ đồng trong năm 2018.

Thị trường Đông Nam Á đóng góp hơn một nửa vào doanh thu thuần của Viettel Global trong năm 2018 (Nguồn: VGI)
Thị trường Đông Nam Á đóng góp hơn một nửa vào doanh thu thuần của Viettel Global trong năm 2018 (Nguồn: VGI)

Tính đến ngày 31/12/2018, quy mô tài sản của VGI đạt 57.869 tỷ đồng, tăng 5,903 tỷ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của các khoản tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu dài hạn khác.

Trong đó, khoản phải thu về cho vay dài hạn ghi nhận giá trị đạt 5.612 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm. VGI cho biết đây là khoản vay dài hạn bằng USD cho Công ty TNHH Telecom International Myanmar (Mytel) để thực hiện các dự án viễn thông tại thị trường Myanmar. Mức lãi suất cho vay là lãi suất Libor 12 tháng cộng với 4%/năm, với kỳ hạn từ 37 đến 61 tháng.

Về cơ cấu nguồn vốn, quy mô vốn chủ sở hữu của VGI đã được nâng lên mức 30.438 tỷ đồng, tăng 8.000 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này xuất phát từ việc VGI trong năm 2018 đã phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - đơn vị đang sở hữu tới 99,03% vốn điều lệ./.