Vietstar Airlines “đòi” quyền xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Công ty cổ phần Vietstar Airlines (một công ty có vốn góp của quân đội) đã bất ngờ “đòi” quyền xây dựng Nhà ga hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) theo quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2016. Điều đáng chú ý là vị trí xây dựng nhà ga lưỡng dụng được quy hoạch cho dự án xây mới nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Vấn đề của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay là thiếu hạ tầng. Nhưng cuộc tranh cãi về chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ảnh:Bamboo Airways
Vấn đề của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay là thiếu hạ tầng. Nhưng cuộc tranh cãi về chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ảnh:Bamboo Airways

Ai sẽ là nhà đầu tư nhà ga T3: bài toán chưa có lời giải

Dự án xây mới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ACV triển khai từ tháng 3-2019 nhằm giải quyết tính trạng quá tải về nhà ga hành khách (vượt công suất thiết kế 1,5 lần từ năm 2017). Dự án ban đầu tưởng chỉ gặp những khó khăn về pháp lý khi ACV, dù có vốn nhà nước chi phối 95,4 % nhưng đã là công ty cổ phần nên buộc phải tham gia đấu thầu dự án có tổng trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trước áp lực cấp thiết về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng hàng không, trong khi sân bay Long Thành (Đồng Nai) đến 2025 mới có thể đi vào hoạt động nên Bộ GTVT đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 vào danh mục dự án cấp bách và giao cho ACV thực hiện bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn ngân sách.

Sau đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (nơi giữ quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước thay Bộ GTVT tại ACV) cũng đã có văn bản gửi Chính phủ, thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT cho phép ACV được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3, do có năng lực, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng sân bay, có năng lực tài chính dồi dào. Đồng thời, ACV cam kết đảm bảo tiến độ sẽ đưa T3 vào hoạt động từ năm 2022, nếu được giao làm dự án từ năm 2020 (tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư).

Trên cơ sở tờ trình của các bộ, ngành liên quan cùng với hồ sơ dự án của ACV, cuối tháng 11-2019, Bộ KHĐT đã có Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, giao cho ACV.

Tưởng như mọi vấn đề tranh cãi quanh việc ai là chủ đầu tư nhà ga T3 đã đến giai đoạn kết thúc thì ngày 13-1-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ ràng dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách.

Như vậy, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có chủ trương giao cho ACV là chủ đầu tư thực hiện dự án T3 như đề xuất của các bộ, ngành hay không, cho dù dự án nhà ga T3 được đề xuất là dự án cấp bách và phải khởi công trong năm nay.

Vietstar Airlines muốn trở lại “đường đua”

Trong kinh doanh hàng không, lĩnh vực khai thác hạ tầng cảng hàng không (sân đậu, bến bãi)...là lĩnh vực hiên nay vẫn sinh lời nhiều nhất do lĩnh vực khai thác vận tải hàng không bị cạnh tranh quá quyết liệt. Tại Việt Nam, ngoài ACV vận hành 21 cảng hàng không thì mới có sân bay Vân Đồn do Sun Group đầu tư và đã đi vào khai thác. Việc được quyền thu thuế phí hạ tầng đối với tất cả các hãng hàng không và hành khách dùng dịch vụ sân bay khiến cho mảng này được nhiều doanh nghiệp quan tâm, không riêng gì ACV.

Thời gian qua, Tập đoàn FLC tuyên bố quan tâm đến dự án nhà ga T3 nhưng không có những động thái thực hiện tiếp theo, và "đường đua" đến dự án T3 tưởng chừng như chỉ có một ứng cử viên duy nhất là ACV.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 12-2019, CTCP Vietstar Airlines (Vietstar), doanh nghiệp có 25% vốn góp (bằng quyền sử dụng đất) của Nhà máy sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân); 67% vốn góp của Công ty TNHH MTV Ngôi sao Việt; 8% vốn góp của Công ty phát chuyển nhanh Ngôi sao Việt - doanh nghiệp hiện đang có giấy phép hoạt động hàng không chung và có 3 công ty bảo dưỡng máy bay tại khu đất hiện do Bộ Quốc phòng quản lý ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã gửi văn bản đến Thủ tướng báo cáo tính hình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) của Vietstar tại Tân Sơn Nhất.

Báo cáo do Tổng giám đốc công ty Phạm Trịnh Phương ký, cho biết: Vị trí xây dựng nhà ga 20 triệu khách theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT là khu đất 16,37 héc ta hiện là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 héc ta mà Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao cho doanh nghệp này từ 10 năm nay. Vietstar đã và đang chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng (dành cho dân sự và quân sự) theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT đã được phê duyệt từ 2015.

Văn bản này cho rằng, việc Bộ KHĐT kiến nghị cho ACV làm chủ đầu tư dự án mà không xem xét đến dự án của Vietstar đã được các bộ ngành trung ương thẩm định hồi tháng 9-2016 gây hoang mang cho doanh nghiệp. Lý do là Vietstar đã theo đuổi và tốn nhiều chi phí thực hiện dự án trong các năm qua.

Vào năm 2015, dự án có tổng mức đầu tư 10.900 tỉ đồng để xây dựng nhà ga có công suất 9,8 triệu hành khách/năm (giai đoạn I) đã được các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thông qua với tên gọi “Nhà ga hàng không giá rẻ tại Tân Sơn Nhất” và yêu cầu Vietstar sớm khởi công. Tuy nhiên, khi quy hoạch mới về điều chỉnh quy mô sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm, xây mới nhà ga có sức chứa 20 triệu khách/năm thì Vietstar lại bị gạt ra ngoài, không được bàn bạc. Thậm chí, Vietstar cho rằng, dự án nếu được giao cho ACV là không trùng với đề xuất của tư vấn ADPi trước đó về dự án  mà Bộ GTVT lấy làm cơ sở thông qua. Vietstar yêu cầu cho phép họ tiếp tục thực hiện dự án quy mô 9,8 triệu khách đã được phê duyệt hồi năm 2016.

Ngày 31-1-2020, Bộ GTVT đã có văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký, trả lời Vietstar rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập. Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư T3 lưỡng dụng của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng trước đây không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015 nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Quyết định 3193/2015 của Bộ GTVT về sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 25 triệu khách/năm có nêu mục tiêu: “tính chất sử dụng: sân bay dùng chung dân dụng và sân bay quân sự”, trong đó quy hoạch 28/54 vị trí đỗ tàu bay của hàng không lưỡng dụng như Vietstar đề cập. Tuy nhiên, trong quy hoạch mới nhất 2018, điều chỉnh công suất sân bay lên 50 triệu khách/năm, đã tăng số chỗ đỗ lên 106 chỗ,  không đề cập đến chỗ đỗ cho hàng không lưỡng dụng.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc “Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất không mang tính bất biến và hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp với tình hình cũng là điều hợp lý?”, ông Phạm Trịnh Phương nói là doanh nghiệp của ông đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT từ năm 2018 nhưng không được hồi đáp. Và nếu ACV làm được dự án này thì Vietstar cũng cam kết thực hiện được dự án nếu được giao làm chủ đầu tư.

Như vậy, việc ai sẽ là chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể sẽ tiếp tục gây ra những cuộc tranh luận, trao đổi giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành lẫn các đơn vị về chiến lược phát triển hạ tầng kinh tế.

Theo TBKTSG