Vietravel báo lỗ 108 tỉ đồng quý 1/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến cuối quý 1/2022, Vietravel ghi nhận tới 1.229 tỉ đồng phải thu đối với Vietravel Holdings – đơn vị nhận chuyển nhượng cổ phần Vietravel Airlines và một số pháp nhân khác.
Vietravel báo lỗ 108 tỉ đồng quý 1/2022
Vietravel báo lỗ 108 tỉ đồng quý 1/2022

CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel – Mã CK: VTR) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt 215,5 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm mạnh, VTR báo lãi gộp hơn 4,5 tỉ đồng trong quý 1/2022.

Trong kỳ, hoạt động tài chính của VTR ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 225,5 triệu đồng, giảm tới 98,6% so với quý 1/2021. Chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) cũng giảm 22% so với cùng kỳ, xuống còn 21,7 tỉ đồng.

Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VTR cũng được tiết giảm đáng kể xuống còn 1,24 tỉ đồng và 29,8 tỉ đồng. Dù vậy, lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, VTR vẫn báo lỗ sau thuế lên tới 108 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh kém sắc trong quý đầu năm của VTR một phần đến từ khoản lỗ 60 tỉ đồng trong công ty liên kết, liên doanh, mà cụ thể là CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong năm 2021, VTR đã đầu tư thêm 593,5 tỉ đồng vào Vietravel Airlines, nâng tổng vốn góp vào hãng hàng không này lên mức 1.293,5 tỉ đồng, chiếm 99,5% vốn điều lệ.

Đến tháng 12/2021, VTR đã bán 72,25 triệu cổ phần, tương đương 55,58% vốn điều lệ của Vietravel Airlines với giá 867 tỉ đồng, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 43,92% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến hết quý 1/2022, VTR vẫn chưa thu được khoản tiền chuyển nhượng này.

Khoản lỗ sau thuế 108 tỉ đồng trong quý 1/2022 đã nâng số lỗ sau thuế lũy kế của VTR tăng lên mức 293,5 tỉ đồng tại ngày 31/3/2022. Vốn chủ sở hữu của công ty lữ hành này cũng bị ăn mòn xuống mức âm hơn 100 tỉ đồng.

Tại ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của VTR đạt 1.939,9 tỉ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 63,3%, đạt 1.229 tỉ đồng, chủ yếu là phải thu tiền chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Dịch vụ Vận chuyển Thế Giới, CTCP Xuất nhập khẩu và Phát triển Văn Hóa, Vietravel Airlines cho CTCP Vietravel Holdings.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VTR vẫn duy trì ở mức 2.040,2 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) là 1.309,3 tỉ đồng, chiếm 67,5% tổng nguồn vốn.

Đầu tháng 4 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) của VTR đã thông qua phương án phát hành 12 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ

Cụ thể, VTR dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu với giá 28.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi 168 tỉ đồng nợ vay đối với CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh. Tỉ lệ hoán đổi nợ là 2,8:1, tức 28.000 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu phổ thông phát hành thêm.

Bên cạnh đó, VTR cũng dự kiến chào bán 6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành riêng lẻ khoảng 72 tỉ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh./.