|
Lễ khởi công Nhà máy Điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D (Ảnh: Vietracimex) |
Ngày 19/5/2021, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã đăng ký phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu, bao gồm 3 lô trái phiếu trị giá 600 tỉ đồng (kỳ hạn 5 năm) và 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng (kỳ hạn 4 năm).
Kết thúc đợt phát hành, số tiền thực tế Vietracimex thu về từ việc phát hành trái phiếu chỉ là 420 tỉ đồng, với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Theo thông tin được công bố, các lô trái phiếu nêu trên đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên của trái phiếu là 10%/năm. Mỗi kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần), lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,3%/năm.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được Vietracimex dùng để tài trợ phương án hợp tác đầu tư (BCC) với CTCP Năng lượng Cà Mau 1A (Cà Mau 1A) - công ty con của Vietracimex - để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A do Cà Mau 1A làm chủ đầu tư.
Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội thuộc sở hữu của Vietracimex; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữa Vietracimex với Cà Mau 1A.
|
Theo tìm hiểu của VietTimes, Cà Mau 1A được thành lập vào cuối tháng 11/2018 với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó Vietracimex góp 969,9 tỉ đồng, chiếm 96,99% vốn điều lệ. Hai cổ đông sáng lập còn lại của Cà Mau 1A là CTCP Điện Vietracimex Hà Giang (3% VĐL) và bà Nguyễn Thị Duyên (0,01% VĐL).
Dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2019 và được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vào tháng 10/2020.
Ngày 16/1/2021, Vietracimex đã tổ chức lễ khởi công dự án điện gió Cà Mau 1 - giai đoạn 1, bao gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C, 1D, được xây dựng trên vùng biển thuộc các xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi và xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn.
Dự án này có công suất 350 MW với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành trong quý 4/2021. Trong giai đoạn 1, Vietracimex sẽ tiến hành lắp dựng 83 turbine gió với công suất 4,5 MW/turbine. Tổng công suất phát điện của dự án dự kiến đạt 1,1 triệu MWh/năm.
Như VietTimes từng đề cập, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Công ty này hoạt động chính trong 4 lĩnh vực bao gồm bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.
Vài năm trở lại đây, Vietracimex và các công ty thành viên đã hút được lượng lớn nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu. Cụ thể, trong vòng 2 năm từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2020, riêng Vietracimex đã huy động được 3.400 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.
Một số đơn vị thành viên của Vietracimex cũng phát hành thành công hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu như CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (2.550 tỉ đồng), CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (1.600 tỉ đồng).
Hai pháp nhân này lần lượt là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150 MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỉ đồng) và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỉ đồng)./.